Hóa ra, chừng ấy năm cũng “kịp” để anh cho ra đời nhiều tập thơ, sau những ngày dài miệt mài với vườn rẫy ở xứ Hiếu Liêm, Vĩnh Cửu, Đồng Nai hẻo lánh.
Tính từ thuở anh xuất bản tập thơ đầu Phù du trần thế năm 1994, nay mầm cây thơ trong anh ngày ấy đã “chín” đến độ đọc Định vị… thơ (NXB Thanh Niên ấn hành quý 4/2018) không thể ngẫm nghĩ: “Trải màn trời chiếu ra coi. Nơi bom đánh tử, nơi đòi yên cơ. Bàn dân, thế nước, cuộc cờ. Sơn Hà, Nam Quốc bây giờ ra sao.
Trời tru đất diệt tớ nào…” (Tự sướng). Bắt đầu là bài “tự sướng”, nhưng ngẫm đến cùng thì lại là… tự trào, đọc nghe mỗi chữ rưng rưng!
Định vị… thơ, cũng chính là tác giả tìm cách định vị mình trong hành trình thơ đằng đẵng: “Còn đây thấp hèn thân phận. Quý cao nhân quý ăn mày. Tôi là ai trong muôn mối. Ai như ẩn sĩ lưu đày” (Hành trình… thơ). Trong bài Đam mê… thơ, anh bày tỏ sự “rợn ngợp” của mình, của thơ mình trước thế giới vô cùng xung quanh: “Cả một đời thơ, tôi chưa hoàn lương câu kết. Bởi bé mọn tâm hồn, bé mọn đức tin. Nhân loại đi trước tôi cả triệu nghìn năm tuổi. Tôi bập bẹ bước ra trong thế giới siêu hình” (Đam mê… thơ).
Nguyễn Hoài Nhơn như nhập vào thế giới, nhập vào thơ để cố gắng lý giải bản ngã mỗi con người. Người đàn ông làm thơ ấy, ngoài sáu mươi vẫn đau đáu: “Ta ngồi bó gối mình ta. Nhìn mây khoe sắc nhìn hoa nở rồi. Nhìn sông mới biết sông trôi. Nghe râm ran máu chảy nơi thân mình” (Cốt cách… thơ). Nghe như thiền lắm, nhưng khi nói về đoạn kết của một sự vật, thì thơ Nguyễn Hoài Nhơn có lúc như khơi dòng cho gió vào mây, có khi lại đắm xuống một đại dương câu chữ: “Ta nhận từ phía em toàn những câu hư ảo. Giữa lúc ửng mây hồng, lúc lem nhọ hoàng hôn. Chợt có tiếng gà trưa, bỗng nhiên con cu gáy. Cũng đủ đánh thức ta sống nốt mấy giây buồn” (Đoạn kết… thơ).
Đọc Định vị… thơ, để thấy thêm một tài hoa giữa “biển thơ” có khi lắm xô bồ, cũng có thể là để “định vị” một sự thưởng thức giữa biết bao sắc màu, mùi vị của bộn bề cuộc sống hôm nay!
Bình luận (0)