Tiếc đứt ruột vì 2 thẻ vàng
Tới nay, nếu có ai hỏi anh về một chút nuối tiếc trong “chiến dịch Chiang Mai” năm ấy, thì chắc chắn Cường “ổi” sẽ không quên nhắc lại việc phải vắng mặt trong trận đấu cuối cùng – chung kết với chủ nhà Thái Lan do bị 2 thẻ vàng. “Cảm giác là đội trưởng mà không thể sát cánh cùng các đồng đội trong trận đấu vô cùng quan trọng ấy thật sự rất đau khổ. Tôi thực sự tiếc đứt ruột vì bị 2 thẻ vàng. Ngồi ở ngoài mà tôi ngứa ngáy tay chân vô cùng, thấy anh em vất vả quá liên tục phải chống đở những pha hãm thành của Kitisak, Natipong và đồng đội mà không biết làm thế nào để hỗ trợ. Tôi chỉ biết cùng HLV hò hét, động viên mọi người kiên cường cản phá..”, Cường tâm sự.
Nhưng với những ai còn nhớ về SEA Games 18 thì hẳn đều đồng ý rằng: Dù không được trực tiếp thi đấu trong trận chung kết (Việt Nam thua 0-4) thì vai trò của Mạnh Cường đối với toàn đội tại giải đấu này vẫn vô cùng to lớn, như thể một “thủ lĩnh tinh thần” góp phần mang đến chiến công lịch sử
|
|
Sinh năm 1965, Nguyễn Mạnh Cường thuộc lứa cầu thủ “gạch nối thế hệ” giữa 2 thế hệ Thể Công. Khi anh lên đội 1 của đội bóng Quân Đội vào năm 1984 (19 tuổi), đa số các cầu thủ lứa đàn chú, đàn anh “thế hệ vàng” những năm cuối 60-70 (như Vương Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nhật, Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Trọng Giáp, Trần Văn Khánh, Nguyễn Thế Anh, Bùi Xuân Thêu…) đều đã nghỉ thi đấu, trong khi những tên tuổi tiếp nối như Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Đỗ Văn Phúc… cũng đều đã sang thời kỳ cuối sự nghiệp.
|
Anh cùng với các đồng đội cùng trang lứa như Nguyễn Sỹ Long (anh trai Nguyễn Hồng Sơn), Đinh Thế Nam, Đặng Văn Dũng… vốn được đào tạo bài bản mau chóng thay thế vào những khoảng trống lực lượng, giúp Thể Công tiếp tục là một tên tuổi lớn của giải A1 toàn quốc những năm cuối thập niên 80, trước khi lứa “thế hệ vàng” thứ 2 của Thể Công với những Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng, Triệu Quang Hà, Nguyễn Hải Biên, Trần Tiến Anh, Trương Việt Hoàng… khẳng định vị trí của mình.
|
Trong vai trò một hậu vệ thòng (cũng có thể chơi ở vị trí tiền vệ trụ), với lối đá vừa quyết liệt, vừa đọc tình huống rất nhanh, Mạnh Cường đã cùng Thể Công giành 2 chức vô địch quốc gia vào các năm 1987 và 1990. Bởi lý do ấy, anh đã được triệu tập vào đội tuyển thanh niên cùng với Dương Ngọc Hùng, Đặng Trần Chỉnh, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Nguyễn Thanh Tùng, Trương Văn Dưỡng.. thi đấu ở Kazakhstan. Rồi sau đó anh tham gia đội tuyển Việt Nam thi đấu ở SEA Games 16 năm 1991, rồi SEA Games 17 năm 1993. Mạnh Cường nói “ Đó là giai đoạn bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực. Chúng tôi được xem là những viên gạch đầu tiên, là sứ giả để giới thiệu bóng đá Việt Nam với bạn bè Đông Nam Á. Nhưng tiếc là do kinh nghiệm thi đấu quốc tế của đội tuyển khi ấy còn hạn chế nên đều không vượt qua được vòng bảng”.
Dù vậy, kinh nghiệm của Mạnh Cường vẫn được HLV trưởng Karl Heinz Weigang đánh giá rất cao trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 18. Mặt khác, anh cũng được tất cả các đồng đội nể trọng không chỉ ở tuổi tác mà cả trình độ chuyên môn. Không chỉ là “lá chắn” vô cùng đáng tin cậy ở hàng phòng ngự mà các đợt cắt bóng tổ chức phản công nhanh của Mạnh Cường còn giúp các cầu thủ ở tuyến trên như Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Huỳnh Đức hay Minh Chiến có thể tự tin tạo nên cơ hội trong các trận đấu.
|
"Nghiệp đưa đò” với bóng đá trẻ
Sự nghiệp “quần đùi áo số” của Nguyễn Mạnh Cường khép lại vào năm 1997 ở tuổi 32. Giải thích về quyết định của mình khi ấy, Cường nói “ Có nhiều lý do buộc tôi phải đưa ra quyết định khó khăn này. Thời điểm đó bóng đá Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều hậu vệ trẻ tốt, tôi thì lại lớn tuổi nên muốn lùi về phía sau. Bên cạnh đó, tôi lại muốn theo học các lớp đào tạo để trở thành HLV nên dù vẫn nằm trong danh sách đội tuyển của HLV Colin Murphy chuẩn bi SEA Games 1997 nhưng tôi nộp đơn xin nghỉ..”.
May mắn cho Cường là anh được lãnh đạo Thể Công khi đó là ông Hà Quang Liêm tổ chức cho trận đấu chia tay giữa Thể Công với Cảng Sài Gòn trên sân Cột Cờ. Sau đó anh tích cực tham gia các lớp HLV do LĐBĐVN và LĐBĐ châu Á tổ chức. “Tư chất thủ lĩnh” sẵn có, nên Cường được đánh giá là rất phù hợp khi chuyển sang công tác huấn luyện.
|
|
Bắt đầu với việc dìu dắt đội trẻ Thể Công, anh dần được Liên đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ ở các đội tuyển trẻ quốc gia. Đầu tiên là vai trò trợ lý HLV U-17 vào năm 2001 (dẫn dắt Phan Thanh Bình, Mai Tiến Thành, Qúy Sửu, Mai Xuân Hợp ..) rồi HLV trưởng U-20 vô địch Đông Nam Á năm 2007 (dẫn dắt Trọng Hoàng, Đình Hiệp, Hồng Việt..). Cũng trong thời gian ấy, trong bối cảnh giải bóng đá VĐQG chuyển dần sang chuyên nghiệp hoá, Thể Công khi ấy vừa chia tay nhiều cầu thủ trụ cột lứa “thế hệ vàng 90”, lại bắt nhịp chậm với xu thế mới nên phải nhận tấm vé xuống hạng vào năm 2004.
Trong vai trò Phó Giám đốc điều hành, Nguyễn Mạnh Cường bất đắc dĩ phải đảm trách luôn nhiệm vụ HLV trưởng thi đấu tại giải hạng Nhất. Rồi Thể Công cũng không thể trụ được lâu, phải chuyển giao lại phiên hiệu vào năm 2009 (cho Thanh Hoá). Tiếp tục làm công tác đào tạo trẻ ở Trung tâm Viettel một thời gian ngắn, Cường đã quyết định dứt áo ra đi, chấp nhận thử thách mới khi vào Nam làm việc tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF.
|
Chỉ cần được làm đúng công việc mình yêu thích, được truyền thụ lại kinh nghiệm và cả “ngọn lửa” nghề cho các lớp cầu thủ trẻ là anh đều hết mình. Có một điều thu hút Mạnh Cường tại PVF: Một môi trường làm việc tích cực, năng động với nhiều đồng đội cũ thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá VN như Nguyễn Hữu Đang, Trần Minh Chiến, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Nguyễn Liêm Thanh, Trịnh Tấn Thành, Hứa Hiền Vinh… hay gần đây với Đinh Thế Nam, Nguyễn Quốc Trung, Châu Trí Cường.. Dưới sự dẫn dắt của anh (có lúc trong vai trò Trưởng đoàn, có lúc là HLV Trưởng), các đội từ U-15 tới U-19 của PVF đều lần lượt đoạt chức vô địch hoặc Á quân toàn quốc, trở thành một thế lực đáng gờm ở các sân chơi bóng đá trẻ cấp quốc gia.
|
|
|
Thật may mắn cho Mạnh Cường khi trong kế hoạch phát triển mới của PVF (chuyển trụ sở ra Hưng Yên), anh đã được làm việc gần nhà (Hà Nội) và tiếp tục đảm nhiệm vai trò Trợ lý Giám đốc Kỹ thuật, cánh tay phải của HLV lừng danh, “phù thuỷ trắng” Philippe Troussier. Không cầm quân tham chiến ở các mặt trận lớn như V.League hay giải Hạng Nhất, nhưng với Mạnh Cường, hạnh phúc là được tiếp tục làm công việc “đưa đò”, đào tạo các tài năng bóng đá trẻ trưởng thành trong tương lai.
“Nếu có gì để nói thì tôi chỉ dùng 2 từ may mắn để nói về cuộc sống hiện tại của mình. Được làm công việc yêu thích, được Trung tâm PVF tạo điều kiện phát triển, được các chuyên gia, cộng sự tận tình hỗ trợ. Bên cạnh đó vợ tôi đang giãng dạy Đại học và con tôi học Đại học kinh tế quốc dân cũng rất ủng hộ, đồng cảm nên tôi sẽ tiếp tục làm tốt công việc của mình..”, Mạnh Cường thổ lộ.
|
|
Bình luận (0)