Đọc những vần thơ chân chất mà tinh khiết của thi sĩ đất Quảng - Nguyễn Ngọc Hạnh, độc giả không chỉ rung động ở nghệ thuật điều khiển ngôn từ mà còn thao thức cùng những chiêm nghiệm về quy luật phát triển của thơ ca; đặc biệt nhà thơ luôn tìm lối đi riêng cho mình giữa bộn bề thi pháp trong thế giới thơ ca hiện nay.
Tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Hạnh, nhiều người thường dễ nhận ra một nguồn năng lượng thơ dồi dào từ niềm say mê đầy hệ lụy với thơ; ông miệt mài cày xới trên cánh đồng chữ, “suốt một đời vắt kiệt/ như sông kia cạn dòng” (Mòn) để dâng tặng đời những vần thơ chan chứa tình người. Từng giờ, từng phút, nhà thơ lặng lẽ nhen lên lửa ấm, ngọn lửa của tình yêu với thơ ca trong công việc hàng ngày; ông là người chăm góc thơ cuối tuần đắm say, tận tụy. Theo dõi chặng đường viết trong suốt gần bốn mươi năm nhưng kết tụ chỉ trong ba tập thơ khiêm tốn, cho thấy ông không hề dễ dãi với công việc làm thơ, cẩn trọng trong từng câu chữ, thi tứ, kiếm tìm những cách biểu đạt mới lạ cho thơ, cách tân ngay trong chính tác phẩm của mình.
Ý thức đổi mới trong thơ ông nổi bật ở việc tạo nhạc điệu bằng cách phối âm, phối thanh; cách dùng hệ thống từ láy gợi hình gợi cảm, đặc biệt thủ pháp lạ hóa, biến ảo trong cách kết hợp cấu tứ ở mỗi bài thơ: “Đâu là bả vọng hư danh/ Câu thơ mắc cạn giữa vành môi cong/ Bàn chân vấp bước chân mình/ Sắc không chân lại gập ghềnh bờ ao” (Câu thơ mắc cạn). Mỗi bước vấp ngã, mắc cạn của thơ hay của cuộc đời đều để lại những di chấn tinh thần; phải chăng những chấn thương ấy như một lời nhắc nhở đồng thời là sức bật để thi pháp luôn mới mẻ, câu thơ giàu hình tượng vút bay lên?
Đắm chìm trong cái ảo diệu của thi ca nhưng Nguyễn Ngọc Hạnh luôn tỉnh táo nhận ra từng bước đi trong suốt quá trình sáng tạo của mình. Ông yêu thơ nhưng không bao giờ làm thơ khi tâm hồn cạn kiệt, khô cứng; đặc biệt chẳng bao giờ làm thơ để minh họa, cổ súy cho bất cứ điều gì. Theo ông, cảm xúc mãi là cầu nối giữ gìn cấu trúc cho thi phẩm; là sợi dây liên kết kỳ diệu giữa tâm hồn nhà thơ và độc giả: “Tôi đã mòn/ và đời thôi đã hẹp/ lối nhỏ dần nhỏ dần/ lấp khuất/ ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn với đêm sâu" (Ngõ hẹp). Nguyễn Ngọc Hạnh luôn chậm rãi mà dò, mà lần: “Chân dò chưa hết nông sâu/ Đã quay lại với nhịp cầu chông chênh” (Chông chênh). Đôi lúc, ông thận trọng giới hạn mình để nhìn lại: “Biết đâu mình lại dẫm chân ai rồi” rồi giật mình lo ngại: “Nhầm một câu thơ/ nhầm một dòng chảy/ tìm không thấy bờ” (Nhầm)… Với ông, nỗi đau nhất của người làm thơ là đánh mất mình giữa những cám dỗ, bon chen đời thường: “Đừng để khi trở về vườn hương cũ/ Tiếng chim lạ rồi, mất giọng thơ xưa” (Giấc mơ).
Đằng sau câu chữ kiệm lời trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, người đọc nhận ra những gửi gắm của ông về những nét riêng biệt, độc đáo trong cảm hứng sáng tạo. Nhà thơ Lê Đạt năm xưa đã từng quan niệm: “Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ/ không trộn lẫn” (Vân chữ); còn Nguyễn Ngọc Hạnh thì lại khoác nhan sắc riêng cho thơ mình. “Nhan sắc” của ông giàu tính hàm ẩn; đằng sau cái nhìn về vẻ đẹp người phụ nữ, là quan niệm về cái đẹp của thơ ca. Cái đẹp ấy không hiện lên ngời ngời mà ẩn tàng trong vỉa tầng ngôn từ: “Nhan sắc em chín lịm vào trong/ Như quả ngọt đồng làng/ Như tầng tầng câu thơ đa nghĩa/ Mơ hồ một cõi mênh mang/ Trời không cho, đời không ban/ Em làm nên nhan sắc riêng mình” (Nhan sắc). Nguyễn Ngọc Hạnh luôn tự tạo dấu ấn bằng những khoảng lặng của ngôn từ, sáng tạo cách kết hợp từ độc, lạ; luôn đổi mới cả với chính mình mà vẫn gìn giữ được giọng thơ riêng không lẫn vào ai.
Nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống, để cái đẹp ấy có sức lan tỏa, đòi hỏi mỗi người làm thơ phải tự cháy như que diêm chỉ phát sáng một lần, như ánh sao rực rỡ băng xuống phía chân trời: “Ngày rồi sẽ qua/ Đời người rồi sẽ ngắn dần/ Chỉ có bầu trời kia/ Ánh chớp kia/ Mãi còn lưu dấu vết giữa muôn trùng” (Có một ngày). Để có được ánh chớp ấy đâu dễ, nếu tâm hồn nhà thơ không thấu hết tình đời, không biết rung cảm trước những khổ đau của mỗi phận người. Tìm hiểu những trăn trở của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh gửi gắm vào các tác phẩm trong 3 thi tập: Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, Khi xa mặt đất, Phơi cơn mưa lên chiều, ta nhận ra cái cốt lõi làm nên giá trị cuộc sống và trong thơ ông là tình yêu đắm đuối đối với thi ca và nỗi đau sâu nặng giữa đời này. Đó là món nợ mà suốt một đời thi nhân không trả nổi.
Bình luận (0)