Nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ là kịch tác gia sân khấu "khét tiếng" ở Nam Trung bộ. Với đất Phú Yên, tên ông nổi lên như một tác giả lớn, bởi ông tham gia sáng tác kịch bản sân khấu, tác phẩm dân ca cho hầu hết sự kiện, hội diễn nghệ thuật của tỉnh.
"Sinh đôi" ở tuổi 73
"Mấy chục năm qua, hầu như tháng nào cũng có người của ngành này, hội nọ, địa phương kia đặt tôi viết ca khúc dân ca, kịch bản sân khấu ngắn, dài. Số lượng tác phẩm là bao nhiêu, thiệt tình tôi không nhớ nổi. Chủ yếu tôi viết kịch bản, sáng tác kịch dân ca, đặc biệt là viết rất nhiều ca khúc dựa trên các làn điệu bài chòi", nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ nói.
Bên cạnh tình yêu sân khấu, Nguyễn Phụng Kỳ còn là cây sáng tác thơ trào phúng bền bỉ, xuất hiện trên nhiều báo, đài, chương trình nghệ thuật… suốt mấy chục năm qua. Thơ ông tự trào với chính mình, bạn bè, nghề nghiệp, phê phán những thói hư, tật xấu, phi pháp… Ông khiêm tốn tự nhận mình là "cây thơ dân gian. Tự cảm sự đời để bày tỏ nỗi lòng. Không mưu cầu gì khác".
Năm 2024, ở tuổi 73, Nguyễn Phụng Kỳ cho ra mắt "sinh đôi" hai cuốn sách: Ngẫm cái thói đời (tập thơ trào phúng) và Hồi ký một chặng đường đời (tập thơ). Thơ ông như là những ghi chép tỏ bày, tự sự chân thành về những cảnh ngộ, bước đường đã qua.
Trong lời tựa tập thơ Hồi ký một chặng đường đời, ông viết: "Tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1954, cha tôi đi tập kết, lúc ấy tuổi tôi mới lên ba, nhà đông con, mẹ tôi phải chịu nhiều gian nan cơ cực, đau khổ đọa đày. Năm tháng trôi qua, các anh chị và tôi dần dần khôn lớn, đã chứng kiến biết bao cảnh nước mất nhà tan phũ phàng cay đắng. Anh chị tôi lần lượt tham gia công tác cách mạng. Năm 1966, anh Chín tôi hy sinh, những người chị và mẹ tôi luôn bị tù đày. Khi trưởng thành, tôi lại tiếp bước cha anh đi làm cách mạng và đã nếm trải biết bao cay đắng ngọt bùi, nhưng rất đỗi vẻ vang. Hồi tưởng chặng đường đã trải qua, tôi viết những vần thơ nhằm để lại cho cháu con hiểu thêm cuộc sống của cha ông một thời…".
Thế nhưng bạn đọc vẫn đánh giá cao cái tâm khí mộc mạc mà tài hoa, rặt chất Nẫu Phú Yên của ngòi bút Nguyễn Phụng Kỳ trong tập thơ trào phúng Ngẫm cái thói đời. Ngòi bút ông thẳng tưng trước những điều trái tai gai mắt:
Xin chớ chủ quan có chức quyền
Khéo tay đút lót thế là yên
Người đưa hối lộ là đồng phạm
Cũng bị phanh phui chốn nhãn tiền
(Hậu quả)
Nhận án kỷ luật rõ ràng
Vậy mà ông vẫn đàng hoàng uy nghi
Sai rồi ông được điều đi
Dạy dỗ truyền thống lễ nghi cho đời
Thiên hạ ngồi ngẫm nực cười
Xót xa chứng kiến những lời thị phi
(Xót xa)
Ông đả phá thói rượu chè be bét:
Ăn nhậu chớ nên để nợ đòi
Say mèm bộ dạng quá lôi thôi
Nói năng lải nhải nghe không lọt
Đi đứng gật gù thấy khó coi
(Thắng gấp)
Rồi ông tự trào, len lén chút ngậm ngùi mà hài hước:
Anh nghĩ rằng anh tuổi đã cao
Lương hưu hằng tháng có là bao
Dám đâu lén lút yêu bồ nhí
Không đủ tiền tiêu biết tính sao?
(Khổ thân)
Nặng lòng thơ ca trào phúng
Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi danh rất nhiều cây bút thơ trào phúng nổi tiếng như Tú Xương, Tú Mỡ, Nguyễn Khoa Vy, Xích Điểu, Thợ Rèn, Nguyễn Đình, Sĩ Giang, Lã Vọng, Búa Đanh, Tú Trọc, Hà Thượng Nhân, Cả Tếu, Trạng Đớp, Tú Kếu, Cung Văn, Tú Ngang, Huyền Thanh, Chính Nghĩa, Búa Tạ…
Tuy nhiên những năm gần đây, cái sự thơ trào phúng ít còn sôi động nữa. "Đất diễn" cho thơ trào phúng trên các trang báo, đài, tạp chí… đã thu hẹp dần. Nhiều báo đã xếp lại mục "Thơ châm". Các câu lạc bộ cười, làng cười… dạo nào rôm rả, giờ cũng biệt bóng giang hồ. Các tờ báo Cười đình đám một thời cũng đành thu xếp lại...
Thế nhưng Nguyễn Phụng Kỳ không lấy đó làm điều. Ông vẫn lặng lẽ và sôi nổi làm thơ trào phúng, trình diễn phừng phừng trong các chương trình nghệ thuật, câu lạc bộ, kể cả trong các cuộc vui trà rượu cùng bạn bầu… Từ ngày về hưu (2011), ông càng sáng tác sung sức và giọng trình diễn thơ càng say sưa hào sảng.
Cũng cần nói thêm, ngoài việc sáng tác, Nguyễn Phụng Kỳ còn là một nghệ sĩ trình diễn tên tuổi. Giọng ông khỏe, vang, diễn xuất hồn hậu, chất phác mà ánh nét tài hoa của đàn ông xứ Nẫu. Thế nên mỗi lần ông xuất hiện là sân khấu, diễn đàn rộn rã tiếng cười hào sảng, thâm trầm, mê đắm.
"Tôi viết để bày tỏ lòng mình, cố góp một tiếng nói, tiếng cười với xã hội. Có quá nhiều đề tài để tôi làm thơ trào phúng. Tôi sẽ còn dồn tâm sức cho thể loại thơ này", nghệ sĩ Phụng Kỳ bày tỏ.
Đến nay, Nguyễn Phụng Kỳ đã cho ra mắt các tập thơ: Đi tìm hương hoa, Phép tu thân, Hồi ký một chặng đường đời, Ngẫm cái thói đời. Cùng với hàng trăm ca khúc dân ca, ông đã viết nhiều tác phẩm, kịch bản sân khấu đã dàn dựng biểu diễn và in sách: Tiếng Rừng kêu cứu, Tình trong giông bão, Tiền mất tật mang, Giữ trọn lời thề, Rừng thiêng nổi lửa, Tiếng kêu của những oan hồn, Lê Thành Phương, Những bài ca vọng cổ, Người đi mở đất, Liệt nữ anh hùng, Tình người và ác quỷ, Kiều Quốc Sĩ, Mai Xuân Thưởng, Lê Trung Kiên…
Bình luận (0)