Nguyễn Quang Dũng: Phim dán nhãn 18+ vẫn bị cắt thì tội người làm phim

01/05/2021 10:13 GMT+7

'Muốn hợp tác với Hollywood, làm được những bộ phim mang tầm cỡ quốc tế thì cái chính chúng ta cần học đó là quản lý về mặt tư duy. Chúng ta đã có hệ thống phân mức hạn tuổi rồi. Nếu dán nhãn 18+ mà phim vẫn bị cắt thì hơi tội cho người làm phim quá...', đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ.

Hôm 28.4, hội thảo Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam: Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế diễn ra với sự tham dự của nhiều nhà làm phim, nhà sản xuất lớn như: Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di... Sự kiện do Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) phối hợp tổ chức. Tại đây, các nhà làm phim đã nêu lên nhiều vấn đề thiết thực còn tồn đọng trong các khâu sản xuất phim, cũng như gợi ý các phương thức giúp phim Việt Nam sớm có được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nguyễn Quang Dũng nói bản thân anh đôi lúc quá khắc nghiệt khi tự kiểm duyệt phim của mình vì sợ

Ảnh: NVCC

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nêu lên quan điểm về việc làm thế nào để có thể cho “xuất xưởng” nhiều bộ phim Việt mang tầm vóc sánh ngang với Hollywood. Anh khẳng định công tác kiểm duyệt phim cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ đến quá trình hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh này.
Nguyễn Quang Dũng bộc bạch: “Điều tôi mong muốn là người làm phim có được quyền trọn vẹn với suy nghĩ và sáng tạo của mình. Và nó liên quan trực tiếp đến vấn đề kiểm duyệt phim. Muốn hợp tác với Hollywood, làm được những bộ phim mang tầm cỡ quốc tế thì cái chính chúng ta cần học đó là quản lý về mặt tư duy. Chúng ta đã có hệ thống phân mức hạn tuổi rồi. Nếu dán nhãn 18+ mà phim vẫn bị cắt thì hơi tội cho người làm phim quá. Tôi nghĩ khán giả Việt Nam giờ cũng đã đủ trình độ để biết đâu là đúng, sai. Nếu bộ phim sai thì khán giả cũng sẽ tự phản ứng. Vì vậy, rất mong muốn trong tương lai chúng ta có thể bỏ kiểm duyệt”. 

Ròm là một trong những phim điện ảnh có số phận lận đận vì "cửa ải" kiểm duyệt

ẢNH: ĐPCC

“Ai cũng nói là khó cả nhưng rõ ràng chúng ta thấy trong thời gian gần đây kiểm duyệt phim cũng đã thoáng hơn, giúp nhiều phim phát triển hơn. Ví dụ như trường hợp của Ròm, phim đã đi được xa hơn, doanh thu cũng trọn vẹn hơn. Tôi nghĩ các nhà làm phim gần đây quá thụ động, cứ chờ đợi được đến ngày kiểm duyệt dễ, hiện tại thì “liệu cơm gắp mắm”. Chúng ta cần phải mạnh mẽ và đấu tranh nhiều hơn, nói nhiều đến vấn đề bỏ kiểm duyệt. Muốn làm phim giống Hollywood, muốn con cháu học theo cách làm phim của họ nhưng ép chúng làm theo cách cũ. Việc này ảnh hưởng đến cả thế hệ làm phim trẻ. Bản thân tôi bây giờ viết kịch bản phim lúc nào cũng phải tự kiểm duyệt trước và rất sợ. Chính cái tự kiểm duyệt trong sợ sệt đôi khi khiến mình bị thui chột sáng tạo. Hi vọng chúng ta có thể cùng đấu tranh vì thế giới họ đã làm như vậy”, nam đạo diễn nói thêm. 

Chàng dâng cá nàng ăn hoa của Phan Đăng Di dù đã được dán nhãn 18+ nhưng khi chiếu trên HBO Go tại thị trường Việt Nam vẫn bị cắt đi nhiều phân cảnh

ẢNH: ĐPCC

Trong khi đó, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Charlie Nguyễn cũng đóng góp ý kiến rằng để điện ảnh Việt phát triển ra thị trường quốc tế thì nhà làm phim cần kể những câu chuyện của mình hơn là kể lại câu chuyện của người khác thông qua phương pháp Việt hóa. Theo đánh giá của Charlie Nguyễn, những phim đại thắng trong thời gian gần đây hầu hết đều mang tinh thần “máu mủ ruột thịt” Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cho rằng các khâu trong sản xuất phim tại Việt Nam đang được xây dựng thiếu đồng đều. Vì vậy chưa thể đạt được đến mức độ vận hành chuyên nghiệp như Hollywood.
Tại hội thảo, các nhà làm phim cũng thống nhất rằng thị trường điện ảnh Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Việc thu hút đầu tư quốc tế, mời gọi các nhà làm phim nước ngoài về Việt Nam làm phim cũng là một cơ hội lớn để học tập từ họ. Đạo diễn Phan Đăng Di nhận định những bộ phim Hollywood quay tại Việt Nam cũng là một công cụ quảng bá du lịch, văn hóa vô cùng hiệu quả. Vì vậy, đây là sự có lợi cho đôi bên. Trước đây, Việt Nam đã từng được chọn làm phim trường cho nhiều phim điện ảnh đình đám như: Người tình, Người Mỹ trầm lặng, Đông Dương, Pan, Kong: Skull Island…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.