Nguyên tắc 15/15 cho người bị hạ đường huyết

Thiên Lan
Thiên Lan
22/09/2020 00:09 GMT+7

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu thấp bất thường. Vì não sử dụng đường trong máu làm nguồn năng lượng chính, việc hạ đường huyết cản trở khả năng hoạt động bình thường của não.

Điều này có thể gây chóng mặt, nhức đầu, mờ mắt, khó tập trung và các triệu chứng thần kinh khác.
Hạ đường huyết cũng kích hoạt giải phóng các hoóc môn nhằm tăng lượng đường trong máu.
Việc giải phóng các hoóc môn này gây ra thêm các triệu chứng run, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, lo lắng và đói, theo healthhavard.edu.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết

Hạ đường huyết có thể do nhiều vấn đề sức khỏe như:
Phẫu thuật tiêu hóa.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày.
Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết.
Khối u.
Khối u tụy nội tiết, tiết ra nhiều insulin, làm hạ đường huyết.
Khối u này thường lành tính, khoảng 85% bệnh nhân u tuyến tụy khỏi chứng hạ đường huyết sau khi loại bỏ khối u.
Nguyên tắc 15/15 cho người hạ đường huyết1

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Thiếu hụt hoóc môn
Sự thiếu hụt hóc môn tăng trưởng từ tuyến yên hoặc cortisol từ tuyến thượng thận cũng gây hạ đường huyết. Có thể điều trị thiếu hoóc môn bằng thuốc.
Uống nhiều rượu
Uống rượu khi chưa ăn, uống quá nhiều rượu dễ gây hạ đường huyết.
Uống quá liều aspirin
Bệnh nặng
Các bệnh nghiêm trọng, như bệnh về gan, tim hoặc thận cũng gây hạ đường huyết, ung thư gan
Khiếm khuyết về enzyme
Bệnh tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường vẫn có nguy cơ bị hạ đường huyết quá mức do tác dụng quá mạnh của thuốc hạ đường huyết. Cần báo bác sĩ nếu bị hạ đường huyết, để điều chỉnh thuốc - liều insulin, thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục.

Phòng ngừa hạ đường huyết

Người bị tiểu đường, nếu uống rượu có thể bị hạ đường huyết nghiêm trọng. Vì vậy, buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ, theo health.harvard.edu.
Có thể giảm nguy cơ hạ đường huyết bằng cách ăn theo giờ đều đặn trong ngày, ăn thường xuyên, chia làm nhiều bữa nhỏ và tránh bỏ bữa và duy trì mức độ tập thể dục đều đặn.
Cần thông báo cho người thân và bạn bè biết về chứng hạ đường huyết của mình để họ giúp đỡ.

Nguyên tắc 15/15

Nếu bị hạ đường huyết, cần phải xử lý ngay, không nên cố gắng chịu đựng, vì có thể dẫn đến suy giảm chức năng não hoặc dẫn đến tử vong.
Có thể chữa khỏi hạ đường huyết trong vòng vài phút nếu áp dụng nguyên tắc 15/15 sau đây, theo health.harvard.edu.
Ngay lập tức tiêu thụ 15 gram carbohydrate, rồi chờ 15 phút. Tương đương với 1 trong những thứ sau:
- 1 muỗng canh đường hoặc 1,5 muỗng canh mật ong - ăn hoặc pha trong nước uống
- Nhai 5 - 6 viên kẹo hay bánh quy ngọt
- Uống nửa ly nước trái cây hay nửa lon nước ngọt
- Ăn 2 muỗng canh nho khô
Cần chú ý không nên ăn sô cô la, bơ đậu phộng, các loại hạt hoặc chất béo. Vì chất béo làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate của cơ thể, sẽ làm chậm tác dụng, theo health.harvard.edu.
Sau khi ăn, chờ 15 phút để đường đi vào máu, nếu chưa khỏi, tiếp tục ăn một lần nữa.
Nếu sau khi đã ăn đồ ngọt 2 lần mà vẫn không khỏi, nhờ người gọi cấp cứu ngay.
Nếu đã đỡ, có thể ăn nhẹ ít tinh bột và đạm, và chờ 1 tiếng sau mới ăn lại, nhằm tránh làm đường huyết tăng quá mức.
Vì vậy, người bị hạ đường huyết nên “thủ” sẵn kẹo, bánh ngọt hoặc nho khô, nước ngọt, để đề phòng lúc hạ đường huyết, theo health.harvard.edu.
Hạ đường huyết vào ban đêm đặc biệt nguy hiểm vì lúc đó, người bệnh thường đang ngủ, nên xử lý sẽ chậm hơn. Hãy hỏi bác sĩ xem có cần ăn nhẹ trước khi đi ngủ để ngăn ngừa hạ đường huyết qua đêm hay không. Đồ ăn nhẹ có chứa protein là tốt nhất.

Khi nào đi gặp bác sĩ?

Gọi cấp cứu ngay nếu có người bị hạ đường huyết đến bất tỉnh hoặc mất phương hướng. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây tử vong, vì vậy cần phải tìm cách điều trị ngay lập tức.
Trường hợp nhẹ hơn, nếu đã ăn uống đồ ngọt 2 lần mà vẫn không khỏi, hãy nhờ gọi cấp cứu. Tuyệt đối không lái xe khi lượng đường trong máu thấp, theo health.harvard.edu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.