Sau khi đọc bài viết Trẻ mầm non học tiếng Anh: Đừng áp lực 'con nhà người ta' trên Báo Thanh Niên ngày 17.4, ở góc độ sư phạm, tôi cho rằng việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh phải được tổ chức không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, trên tinh thần tự nguyện tham gia, không gây căng thẳng cho trẻ.
Theo tôi, khi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, chúng ta cần quan tâm đến nguyên tắc "KIDS":
K: Khám phá
Thông qua những kỹ năng, hoạt động học tập, trò chơi, bài hát, tô màu hay vẽ tranh, giáo viên sẽ giúp trẻ khám phá một ngôn ngữ mới bên cạnh tiếng Việt.
I: Ích lợi
Trẻ mầm non không cần tiếp thu nhiều về kiến thức và kỹ năng nên từ vựng cơ bản với những chủ đề quen thuộc với các bé là tiêu chí nên được thực hiện khi xây dựng chương trình giảng dạy.
D: Dạn dĩ
Thông qua việc học tập, giáo viên khuyến khích trẻ mạnh dạn tham gia những hoạt động để rèn luyện sự dạn dĩ, tự tin, bớt rụt rè, tích cực hơn trong giao tiếp và tham gia những hoạt động khác của trường.
S: Sáng tạo
Hãy để cho trẻ sáng tạo theo sự hiểu biết và lý giải riêng của chính mình. Linh hoạt trong các giờ học để trẻ phát huy được tính sáng tạo và thẩm thấu ngôn ngữ theo tâm, sinh lý lứa tuổi.
Với lứa tuổi mầm non, giáo viên nên chú trọng nhiều đến hai kỹ năng nghe, nói để sớm phát triển niềm đam mê học ngoại ngữ một cách tự nhiên và lâu dài chứ đừng nên vì những kỳ vọng của người lớn mà o ép các con theo ý mình.
Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô nên cùng nhau định hướng, tư vấn với mục tiêu tạo hứng thú cho trẻ mầm non học tiếng Anh, hình thành dần kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thông qua việc đa dạng hóa các hoạt động học tập.
Từ đó, trẻ mầm non học tiếng Anh có thời gian thực hành và dần dần hình thành sự tự tin hướng đến việc học ngoại ngữ ở những bậc học tiếp theo.
Bình luận (0)