Trẻ mầm non học tiếng Anh: Đừng áp lực 'con nhà người ta'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
17/04/2023 06:05 GMT+7

Tay cầm cuốn sách với nhiều tranh ảnh in hình các con vật, giáo viên tiếng Anh Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM lúc thì ngồi trên ghế, lúc thì nhảy lò cò khắp lớp, khi lấy tay làm tai thỏ, lúc phải hếch mũi như một chú heo khiến nhiều bé cười khanh khách.


Cùng với nhiều tỉnh thành, TP.HCM đang triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50 của Bộ GD-ĐT. Tại nhiều trường mầm non, các hoạt động này diễn ra sinh động, sáng tạo nhằm thu hút sự chú ý của trẻ em.

Ghi nhận của PV cho thấy, các trường mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi làm quen với tiếng Anh khoảng 2 - 3 buổi/tuần.

Trẻ mầm non học tiếng Anh: Đừng áp lực 'con nhà người ta' - Ảnh 1.

Thầy Rex kể chuyện, diễn kịch trong giờ tiếng Anh với trẻ em Trường mầm non Vàng Anh, Q.5 (TP.HCM)

THÚY HẰNG

HỌC TIẾNG ANH TỪ BÀI HÁT, CÂU CHUYỆN

Trong lớp học tiếng Anh của Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), thầy Rex, đến từ Philippines, nhắc đi nhắc lại câu hỏi và nhấn nhá câu trả lời, trẻ em véo von nói. Có bé thích điệu nhảy hoặc dáng đi của thầy Rex nên rời khỏi ghế ngồi, bắt chước theo.

Cô Lâm Thị Thùy Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh, cho biết là trường mầm non tiên tiến, hội nhập nên nhiều năm nay, 100% trẻ em độ tuổi mẫu giáo (3 - 5 tuổi) của trường được làm quen tiếng Anh với 100% giáo viên người nước ngoài. Một tuần trẻ tham gia hoạt động 2 buổi, mỗi buổi kéo dài trong 30 phút. Với hoạt động này, mỗi trẻ đóng thêm 400.000 đồng/tháng và được sự nhất trí của tất cả phụ huynh. Sĩ số tối đa một lớp là 35 trẻ, giờ tiếng Anh sẽ được chia đôi thành 2 nhóm, mỗi nhóm chỉ hơn 10 bạn để đảm bảo học hiệu quả nhất.

Có phải chỉ giáo viên nước ngoài mới tốt ?

Chị Hà Đặng Như Quỳnh, thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Nottingham (Vương quốc Anh), cho rằng giáo viên VN rất phù hợp để dạy cấp độ mầm non, vì có khả năng giao tiếp với các bé bằng cả hai ngôn ngữ, giúp các em nhìn được mối liên hệ giữa tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Nhưng giáo viên phải phát âm đúng (không nhất thiết phải có giọng chuẩn như người bản xứ) và phải có chuyên môn sư phạm.

Về phần giáo cụ, theo thạc sĩ Quỳnh, các trường công lập có thể tự làm giáo cụ cho lớp học của mình bằng vật liệu như tre, gỗ, khá dễ tìm, không cần phải dùng đồ ngoại nhập đắt tiền. Miễn là mỗi hoạt động vui chơi trong lớp đều được thực hiện có mục đích cụ thể như giúp các em phát triển kỹ năng, ngôn ngữ.

Cô Loan cho biết các giáo viên tiếng Anh đều đang làm việc tại các trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM, trung tâm có hợp đồng với nhà trường. Để lựa chọn được trung tâm Anh ngữ uy tín cũng như giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT thì các thầy cô cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh có các buổi dự giờ, sau đó thẩm định, so sánh giữa cách dạy của các trung tâm. Đồng thời, toàn bộ hồ sơ của trung tâm Anh ngữ cũng như hồ sơ của giáo viên phải được Phòng GD-ĐT duyệt, sau đó mới lựa chọn trung tâm nào hiệu quả nhất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.

Tại Trường mầm non Vàng Anh ngoài các hoạt động trên lớp để trẻ làm quen tiếng Anh thì mỗi năm học, nhà trường còn tổ chức "Ngày hội tiếng Anh". Năm nay, sự kiện dự kiến diễn ra trong các ngày 25, 26 và 28.4. Trong ngày hội, các bé cùng chào hỏi, trình bày, giới thiệu bản thân, thể hiện các tài năng khiêu vũ, nhảy, chơi ném vòng, giải cứu động vật, lựa chọn màu sắc, thi Rung chuông vàng phiên bản tiếng Anh…

TRẢI NGHIỆM TIẾNG ANH QUA CÁC GIÁC QUAN

Từ nhiều năm nay, Trường mầm non Phước Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã liên kết với trung tâm tiếng Anh trên địa bàn để trẻ mầm non được làm quen với tiếng Anh mỗi tuần 2 buổi. Trước và trong quá trình dạy, nhà trường phải đánh giá giáo trình, cùng dự giờ, thẩm định, điều chỉnh nếu thấy cần thiết để chất lượng các buổi học được hiệu quả.

Các bé có thể học tiếng Anh trong lúc học hát, chơi đàn, hay thậm chí là học thể thao ngoài trời cũng có thể kết hợp được. Điều này giúp các bé tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên, không gượng ép, và thấy được ngay lập tức cách áp dụng tiếng Anh trong cuộc sống.

Chị HÀ ĐẶNG NHƯ QUỲNH (thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Nottingham, Vương quốc Anh)

Cô Nguyễn Thị Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện đăng ký của phụ huynh, nhà trường lập danh sách, chia thành các lớp để trẻ được tham gia các hoạt động.

Cô Tuyến cho hay phương pháp để trẻ làm quen với tiếng Anh hiệu quả là học và trải nghiệm qua các giác quan như tay chạm, tai nghe, mắt nhìn, vận động toàn thân, từ đó trẻ được kích thích khám phá, học hỏi hiệu quả hơn.

Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Bình cũng cho biết ở lứa tuổi mầm non, trẻ em làm quen với tiếng Anh không phải là cho bé ngồi yên, đọc từng dòng, viết từng chữ mà để trẻ vận động ngoài trời, trải nghiệm âm nhạc, chơi trò chơi. Khi trẻ chơi, giáo viên nói tiếng Anh để cùng giao tiếp, tương tác với con…

Trẻ mầm non học tiếng Anh: Đừng áp lực 'con nhà người ta' - Ảnh 4.

Tại TP.HCM, 95% các trường mầm non cho trẻ làm quen với tiếng Anh

ĐÀO NGỌC TH5CH


TẠO TÂM LÝ THOẢI MÁI, ĐỪNG GÂY ÁP LỰC

TP.HCM - đô thị lớn nhất nước cũng là một trong những TP mà phụ huynh đầu tư cho con cái học tiếng Anh từ rất sớm. Không chỉ cho làm quen trong trường mầm non, nhiều trẻ trong độ tuổi này được gia đình đăng ký gia sư, học thêm tại trung tâm nhiều buổi để nâng cao trình độ. Thực tế cũng cho thấy, nhiều cha mẹ áp lực và so sánh con mình với các trẻ khác "sao con mình tiếng Việt nói còn chưa sõi, mà con nhà người ta đã nói tiếng Anh như gió".

Chị Hà Đặng Như Quỳnh, thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Nottingham (Vương quốc Anh), Giám đốc học thuật tại DOL English, cho rằng phụ huynh đừng sốt ruột, mỗi trẻ sẽ có tốc độ tiếp thu ngôn ngữ khác nhau.

95% các trường mầm non tại TP.HCM cho trẻ làm quen tiếng Anh

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tại TP.HCM, 95% các trường mầm non cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Cụ thể có 1.240 trường trên tổng số 1.305 trường mầm non tổ chức chương trình này (gồm 423 trường công lập và 817 trường ngoài công lập). Các trường được trang bị máy tính bảng, phần mềm, học liệu để hỗ trợ trẻ.

Các nhóm lớp độc lập (quy mô dưới 70 trẻ) còn thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động giúp trẻ làm quen với tiếng Anh. Sắp tới Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ, định hướng cho các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, giúp các nhóm lớp triển khai hoạt động này.

Theo thạc sĩ Quỳnh, trẻ mầm non là độ tuổi tiếp thu ngôn ngữ rất tốt, nhưng ngôn ngữ ở lứa tuổi này nên được tiếp thu trong ngữ cảnh, và càng gần gũi với đời sống của trẻ càng tốt. Nói cách khác, tiếng Anh nên được kết hợp với những môn học khác hoặc thậm chí kết hợp với hoạt động hằng ngày của các bé. "Các bé có thể học tiếng Anh trong lúc học hát, chơi đàn, hay thậm chí là học thể thao ngoài trời cũng có thể kết hợp được. Điều này giúp các bé tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên, không gượng ép, và thấy được ngay lập tức cách áp dụng tiếng Anh trong cuộc sống", thạc sĩ Quỳnh nói.

Thạc sĩ Quỳnh cũng cho rằng phụ huynh hãy tạo tâm lý thoải mái, đừng gây áp lực việc học ngoại ngữ cho con, rất dễ gây tâm lý chán ghét, ngán học cho bé. "Không cần gửi con đến trung tâm đắt tiền, mà phụ huynh nên dành thời gian cho con, học ngoại ngữ cùng con, chơi cùng con và sử dụng ngoại ngữ cùng con. Đừng để trẻ học tiếng Anh bằng cách bắt chước sáo rỗng từ YouTube. Đặc biệt, hãy cùng con tận hưởng quá trình học vì điều này sẽ tạo động lực và niềm yêu thích ngoại ngữ cho con. Đối với cá nhân tôi, việc đồng hành của phụ huynh là cực kỳ quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ, vì phụ huynh là người mà trẻ gắn bó nhất, tin tưởng nhất và cũng dành nhiều thời gian xây dựng tình cảm nhất", thạc sĩ Hà Đặng Như Quỳnh trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.