Thi chứng chỉ tiếng Anh mầm non: Nhu cầu của trẻ hay 'chạy đua' của người lớn?

Bích Thanh
Bích Thanh
25/03/2023 16:50 GMT+7

Các chuyên gia về giảng dạy ngoại ngữ tiếp tục đưa ra ý kiến liên quan đến đề xuất cần có chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non.

Thi chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non: Các chuyên gia đã nói như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến chuyên gia phản đối đề xuất chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết Thi chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non: Áp lực không cần thiết  vào ngày 25.3, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến phân tích. 

Đi ngược với đặc điểm học ngôn ngữ

Tiến sĩ ngôn ngữ Minh Nguyễn, đang giảng dạy tại ĐH Otago (New Zealand), cho biết lợi ích rõ ràng duy nhất của việc học ngoại ngữ trước 6 tuổi là khả năng bắt chước phát âm của người bản ngữ. Tuy nhiên, khi tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ toàn cầu, đồng nghĩa với việc có rất nhiều "phiên bản" tiếng Anh khác nhau như hiện nay, thì việc đạt được "accent" (giọng) của người bản ngữ không còn được xem là mục đích quan trọng nhất của việc học tiếng Anh, mà quan trọng hơn là khả năng sử dụng phù hợp với mục đích và hoàn cảnh giao tiếp.

Nữ tiến sĩ phân tích, do đặc điểm về lứa tuổi, trẻ em học ngoại ngữ không giống cách người lớn học ngoại ngữ. Trẻ em học ngoại ngữ chủ yếu thông qua các hoạt động để trực tiếp thử nghiệm với ngôn ngữ. Các hoạt động có thể gây hứng thú cho các em (thay vì thông qua giảng giải quy tắc ngôn ngữ), chẳng hạn trò chơi, câu đố, múa, hát, vẽ, đóng kịch... 

Trẻ nhỏ chưa thể tập trung lâu nên không thể yêu cầu các em ngồi một chỗ để nghe giảng. Các hoạt động cũng phải thường xuyên được thay đổi, làm mới để tạo hứng thú. Theo tiến sĩ Minh Nguyễn, đối với lứa tuổi mẫu giáo, nếu dạy ngoại ngữ cho các em thì mục đích của việc dạy ngoại ngữ này nên là để cho trẻ làm quen với một ngôn ngữ mới, duy trì hứng thú đối với việc học ngoại ngữ sau này.

Từ đó, tiến sĩ Minh Nguyễn khẳng định, việc khảo sát năng lực để cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho trẻ nhỏ như đề đạt của một số trường mầm non là việc không cần thiết và có khả năng tạo sức ép tâm lý, khiến các em căng thẳng và mất hứng thú học tập. 

Chưa kể, năng lực ngôn ngữ ở mỗi trẻ là khác nhau. Ngay cả đối với tiếng mẹ đẻ, tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng không giống nhau. Do đó, việc "ép" các em vào một "khung năng lực" chung vô hình trung đi ngược lại đặc điểm học ngôn ngữ ở lứa tuổi này, theo tiến sĩ Minh Nguyễn.

Bình luận về đề xuất cần có chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non, bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh (TESOL), bày tỏ quan điểm công khai trên trang cá nhân rằng: "Với tôi, cho trẻ mầm non làm khảo sát để đo năng lực tiếng Anh dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một việc làm cần tránh. Việc ép trẻ mầm non phải đạt được một số kiến thức, kỹ năng nhất định trong một khoảng thời gian nhất định là quá trình 'bón thúc trẻ', tạo áp lực lên thầy cô, nhà trường".

Thạc sĩ Thụy Anh chỉ dẫn rằng: "Áp lực này, theo nhà tâm lý học người Mỹ David Elkind, sẽ biến việc dạy và học thành một dây chuyền sản xuất, thầy cô sẽ là những người vận hành dây chuyền này. Trẻ được xem là những 'chai rỗng'. Cứ thế, cái chai lần lượt chạy qua từng cấp độ, ở mỗi cấp độ, cái chai sẽ được đổ đầy một ít. Ép trẻ phải khảo sát năng lực tiếng Anh, chúng ta đã bỏ qua hứng thú, sự khác biệt mang tính cá nhân về khả năng trí tuệ và tốc độ học ở mỗi trẻ. Nếu trẻ nào đó không theo kịp 'dây chuyền sản xuất' này thì sẽ bị dán nhãn 'chai hỏng', kém chất lượng?".

Thi chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non: Các chuyên gia đã nói như thế nào? - Ảnh 2.

Một tiết học tiếng Anh của trẻ mầm non

ĐÀO NGỌC THẠCH

Có phải nhu cầu cấp thiết hay chỉ là chạy đua của người lớn?

Gửi ý kiến đến Báo Thanh Niên, bạn đọc Thy Ma viết: "Khi đọc về đề xuất chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non, tôi tự hỏi mục đích của việc lấy chứng chỉ này là để làm gì? Có phải là nhu cầu thật sự và cấp thiết của trẻ hay chỉ là sự chạy đua của người lớn? Nhưng ở đây, người lớn không chạy mà chỉ đứng ngoài và 'thúc' cho con mình chạy. Tôi hy vọng mỗi đứa trẻ được nuôi dưỡng và giáo dục tốt nhất theo khả năng của chúng".

Hay bạn đọc Trần Vũ Nhật Quỳnh chia sẻ: "Tưởng tượng đến cảnh những bạn mầm non phải mang balo, 'lết' cái thân bé nhỏ để đi 'luyện thi' chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non. Nghĩ đến đây thì bao nhiêu sự ngây ngô, tò mò khám phá xung quanh của các bạn cứ như chẳng còn gì hết. Chỉ còn mỗi cạnh tranh và áp lực".

Đề cập đến việc học ngoại ngữ của trẻ mầm non, bà Nhi Hoàng, đang nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Eastern Finland (Phần Lan), cho biết: "Ở Phần Lan, trẻ mầm non chủ yếu là chơi và họ rất chú trọng rằng trẻ phải được chơi, không áp lực học nên đúng 7 tuổi, trẻ mới được vào lớp 1, phụ huynh có muốn trẻ đi học sớm trước tuổi cũng không được".

Theo bà Nhi Hoàng, ngành giáo dục Phần Lan cũng rất chú trọng dạy ngoại ngữ cho trẻ. Tùy theo địa phương, tại một số thành phố ở nước này, học sinh lớp 2 được chọn ngoại ngữ đầu tiên, lớp 3 thì được chọn ngoại ngữ thứ hai. "Thông thường học sinh lớp 2 ở Phần Lan sẽ học tiếng Anh, sau đó là tiếng Thụy Điển hoặc có thể chọn thêm tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga", bà Nhi Hoàng nói, đồng thời cho rằng chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non là không cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.