Thi chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non: Áp lực không cần thiết

Bích Thanh
Bích Thanh
25/03/2023 06:05 GMT+7

Ý kiến đề xuất có thêm chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non từ 3 - 6 tuổi của đại biểu tham gia hội thảo tại TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh.

ĐỀ XUẤT CHUẨN ĐÁNH GIÁ TIẾNG ANH MẦM NON

Tại hội thảo "Làm quen tiếng Anh bậc mầm non theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ trong khảo sát năng lực ngoại ngữ" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 24.3, một số ý kiến cho rằng nên có chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ mầm non.

Bà Nguyễn Thị Kim Uyên, Phó phòng GD-ĐT Q.10, có ý kiến đề xuất: "Trong khi học sinh tiểu học, độ tuổi từ 7 - 12 tuổi được tạo điều kiện tham gia các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh như Starters, Movers, Flyers thì giá như trẻ từ 3 - 6 tuổi có một chứng chỉ tương tự như Children hay Kids. Bậc mầm non hoàn toàn chưa có chuẩn đánh giá học sinh thì chứng chỉ này có thể đánh giá kỹ năng phù hợp với trẻ mầm non".

Còn bà Bùi Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Mai Vàng (Q.Gò Vấp), cũng mong muốn có bộ tiêu chí về khung năng lực ngoại ngữ ở bậc mầm non để các trường mầm mon có thể soi vào, đánh giá trẻ phù hợp… Đồng thời có thêm chứng chỉ ngoại ngữ dành cho trẻ mầm non, tạo thuận lợi cho trẻ tiếp cận với bậc tiểu học hiệu quả hơn.

Thi chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non: Áp lực không cần thiết - Ảnh 1.

Với trẻ mầm non, khả năng tập trung rất ngắn, mọi hoạt động dựa trên hứng thú của trẻ, vì vậy không nên đặt ra bất cứ kỳ thi nào mang tính thi đua, điểm số với lứa tuổi này

ĐÀO NGỌC THẠCH

HỌC NGOẠI NGỮ Ở MẦM NON KHÔNG PHẢI VÌ ĐIỂM SỐ

Trước những ý kiến đề xuất nói trên, các chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh tại TP.HCM phản ứng và cho rằng việc cấp chứng chỉ tiếng Anh ở bậc mầm non là không cần thiết và không phù hợp với việc tiếp cận tiếng Anh của trẻ trong độ tuổi này.

Một chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh tại khu vực châu Á có ý kiến rằng, việc tạo áp lực cho trẻ và việc phải đạt được các thành tích vào lứa tuổi này là chưa cần thiết. Thậm chí đối với kỳ thi tiếng Anh thiếu nhi dành cho lứa tuổi từ 7 - 13 thì các tổ chức khảo thí như Cambridge cũng rất dè dặt và cố xây dựng bài thi theo hướng vừa học vừa chơi, huống hồ gì đây là lứa tuổi mầm non.

Theo chuyên gia này, ở lứa tuổi mầm non, trẻ em nên được vui chơi thoải mái, việc học ngoại ngữ cũng nên khuyến khích chứ không nên gắn liền với các áp lực điểm số, kết quả. Việc đánh giá năng lực chỉ nên được thực hiện ở hình thức "formative" chứ không phải "summative", tức ở hình thức thực hiện các hoạt động vui chơi trong lớp học. Trong đó giáo viên có thể ghi nhận thành tích của trẻ thông qua các hoạt động thường xuyên, định kỳ, ngoại khóa…

Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh, thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh TESOL, đưa ra quan điểm: "Cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh không phải để "lùa trẻ đi thi lấy chứng chỉ" mà nhắm đến mục đích phát triển và duy trì hứng thú của trẻ dành cho ngôn ngữ tiếng Anh. Khi đặt ra chứng chỉ dành cho trẻ, buộc trẻ phải tham dự các kỳ thi khảo sát năng lực để có được chứng chỉ do chúng ta đặt ra là đi ngược lại mục tiêu và quan điểm xây dựng chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh.

Với trẻ mầm non, bà Thụy Anh phân tích, chú ý không chủ định chiếm đa số, khả năng tập trung rất ngắn, mọi hoạt động dựa trên hứng thú của trẻ, trẻ có khuynh hướng nhìn sự vật, hiện tượng qua lăng kính của mình; mỗi trẻ là một tốc độ, đặc điểm học khác nhau.

"Đặt ra chứng chỉ tiếng Anh để yêu cầu trẻ phải đạt chừng ấy kiến thức về lượng từ, lượng mẫu câu trong một thời gian nhất định và phải tham dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực (dù dưới bất kỳ hình thức nào) để công nhận đạt chuẩn hay không, chúng ta đã hoàn toàn bỏ qua đặc điểm tâm sinh lý của trẻ và cách học của trẻ", bà Thụy Anh nói.

Thi chứng chỉ tiếng Anh bậc mầm non: Áp lực không cần thiết - Ảnh 2.

Cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh là nhắm đến mục đích phát triển và duy trì hứng thú của trẻ dành cho ngôn ngữ

ĐÀO NGỌC THẠCH


QUAN ĐIỂM CỦA S GD-ĐT

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: Việc đề xuất cấp chứng chỉ là ý kiến và nguyện vọng của đại diện phòng GD-ĐT và các trường mầm non trong hội thảo.

Ông Minh khẳng định, Sở GD-ĐT TP.HCM không có chủ trương tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh đối với trẻ mầm non. Việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh theo trình độ quốc tế là định hướng giáo dục để giúp trẻ có cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ chuẩn theo khuôn khổ Thông tư 50, không làm vượt qua quy định của Bộ.

Ngoài ra, Sở ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn giáo dục Pearson để triển khai ứng dụng công nghệ trong khảo sát năng lực ngoại ngữ dành cho học sinh TP.HCM. Cụ thể là ứng dụng công nghệ vào kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ sẽ được áp dụng theo từng mức độ và hình thức khác nhau cho từng độ tuổi của trẻ và học sinh.

Trong đó, việc sử dụng công nghệ để khảo sát năng lực ngoại ngữ của trẻ mầm non là hoạt động đánh giá được thực hiện nhẹ nhàng, thân thiện, khích lệ sự tiến bộ của từng trẻ. Có thể mang lại nhiều lợi ích như cải thiện hiệu quả giảng dạy và học tập, đồng thời giúp giáo viên và phụ huynh hiểu rõ hơn về trình độ ngoại ngữ của trẻ để đưa ra các phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp, theo ông Minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.