Nguyên tắc 'vàng' giúp giáo viên kiểm soát cơn giận khi dạy học

24/12/2023 10:25 GMT+7

Nhiều vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra vừa qua, trong đó một phần có lỗi từ phía giáo viên, khiến chúng ta nghĩ đến những nguyên tắc cần thiết để kiểm soát cơn giận khi dạy học.

Có kiến thức chuyên môn sâu rộng và phương pháp tích cực, hiệu quả để dạy học chỉ là điều kiện cần. Biết ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo trong những tình huống "có vấn đề" xảy ra bất ngờ là điều kiện đủ đối với giáo viên. Nếu biết tận dụng các "nguyên tắc vàng" trong ứng xử, nhà giáo sẽ hạn chế nhiều rủi ro.

Nguyên tắc 'vàng' giúp giáo viên kiểm soát cơn giận khi dạy học- Ảnh 1.

Hình ảnh nữ sinh bị giáo viên kéo lê trước cửa lớp gây xôn xao dư luận cuối tháng 9 vừa qua

CẮT TỪ CLIP

"Giận cá chém thớt" là trường hợp rất dễ xảy ra đối với giáo viên khi dạy học. Hoặc là thầy cô gặp chuyện không vui ở gia đình, chuyện bức xúc trong sinh hoạt, hoặc giận một em học sinh nào đó, dẫn đến hệ lụy là giáo viên khó kiểm soát thái độ, hành động chuẩn mực khi đứng lớp ngày hôm đó, dễ dàng "đổ lửa giận" lên học sinh.

Vì thế nhiều chuyên gia tâm lý thường khuyên thầy cô phải biết tạm quên mọi chuyện khi thực hiện tiết giảng. Vừa qua, trong đợt tập huấn trực tiếp mô đun 5 cho giáo viên một cụm trường THPT tại TP.HCM, thầy Phạm Xuân Vũ, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, cũng đã khuyến khích: "Khi vào lớp, điều đầu tiên là thầy cô phải vui vẻ với học sinh. Phải nở nụ cười thật tươi để tạo không khí học tập. Không đem những chuyện không vui của bản thân vào không gian lớp học".

Mới đây có câu chuyện thực tế đáng suy ngẫm như sau: hai giáo viên thi dạy giỏi có điểm số ngang nhau, vì vậy giám khảo chấm phải lấy thêm đánh giá sự yêu thích từ phía học sinh. Kết quả là, giáo viên luôn tươi cười với học sinh trong tiết dạy được học sinh lựa chọn yêu thích nhiều hơn.

Nguyên tắc 'vàng' giúp giáo viên kiểm soát cơn giận khi dạy học- Ảnh 2.

Thầy giáo xưng mày - tao, có lời lẽ phản cảm khi giao tiếp với học sinh

CẮT TỪ CLIP

"Giận quá mất khôn" là câu thành ngữ rất phổ biến, có ý nghĩa đặc biệt với người thầy. Trong bất kỳ tình huống nào của hoạt động giáo dục, giáo viên cũng không nên giận quá để mất khôn. Có một thực tế là, giáo viên tuổi nghề càng trẻ thì sự bộc phát cơn giận càng dễ dàng và thường xuyên xảy ra hơn so với thầy cô đứng tuổi. Có thể là vì họ quá "lý tưởng" và nóng vội về kết quả giáo dục; hoặc chưa va chạm nhiều, chưa vấp phải những tình huống bất thường từ phía học sinh, nên cảm giác như mình bị xúc phạm nặng nề và phản ứng thiếu kiểm soát.

Hơn nữa, một số thầy cô còn suy nghĩ khá đơn giản là, học trò giống như con em mình, nên mình la mắng nặng lời. Thậm chí còn đánh chúng cũng là vì tình thương, sự quan tâm mà nặng tay. Nhưng như thế là sai, không đúng với luật Giáo dục và quy tắc ứng xử trong trường học. Điều 6 Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định ứng xử của giáo viên với học sinh như sau: Ngôn ngữ cần có chuẩn mực, dễ hiểu, khen chê phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh; gương mẫu, bao dung, trách nhiệm, nghĩa tình; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khuyến khích học sinh; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, lạm dụng hoặc vụ lợi; không được trù dập, định kiến, bạo lực hoặc xúc phạm; không làm ngơ, né tránh, bao che cho những vi phạm của học sinh.

Theo tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, nguyên giảng viên Trường ĐH sư phạm TP.HCM, trong nguyên tắc ứng xử, tính mô phạm giao tiếp có văn hóa và nghệ thuật của giáo viên là nghiêm khắc, thuyết phục và nên biết mỉm cười bày tỏ sự khoan dung với học phạm lỗi. Nếu giáo viên nóng giận, vội vàng xử lý sai, có nghĩa là đổ cái sai từ học sinh sang cái sai cho mình. Nguyên tắc "vàng" mà tiến sĩ Hồng khuyên là: "Nếu bạn đúng, bạn không cần nổi giận. Nếu bạn sai, bạn không có quyền nổi giận". Cho nên trong giao tiếp ứng xử sư phạm, đằng nào thì người thầy cũng không thể có sự giận dữ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.