Theo kế hoạch ban đầu, Nguyễn Thị Oanh và 36 VĐV thuộc đoàn thể thao Việt Nam có thành tích tốt ở SEA Games 32 được đề xuất trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại quá trình cống hiến của Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 32, ngành thể thao đã quyết định đề xuất đặc cách cho cô được nhận Huân chương Lao động hạng nhì.
Nguyễn Thị Oanh là VĐV duy nhất của đoàn thể thao Việt Nam giành được tới 4 HCV tại SEA Games 32. lần lượt ở các nội dung 5.000 m, 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật và 10.000 m.
Trong đó, 2 nội dung là 1.500 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật thi đấu sát giờ nhau, Nguyễn Thị Oanh có rất ít thời gian để nghỉ ngơi lấy lại sức. Thành tích này của Nguyễn Thị Oanh đã gây "sốt" trên các diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam và cũng khiến các đối thủ ngả mũ thán phục.
Khi được phóng viên hỏi về phản ứng sau khi nhận tin phải thi đấu 2 nội dung sát giờ nhau, Nguyễn Thị Oanh nói: "Khi tôi biết không có cách nào để đổi giờ thi đấu, tôi chấp nhận và quyết tâm chinh phục nó. Tôi coi đây là thách thức mà mình phải vượt qua. Tôi hạnh phúc khi nhận được sự động viên từ khán giả, từ gia đình, các thầy cô ban huấn luyện, các anh chị và các bạn đồng đội trong đội tuyển điền kinh Việt Nam".
Trong khi đó, HLV Trần Văn Sỹ chia sẻ với Thanh Niên: "Trước SEA Games 3 tháng, chúng tôi nhận được lịch thi đấu của Oanh tương đối thuận lợi nên đăng ký tham dự 4 nội dung. Tới khi diễn ra cuộc họp chuyên môn, BTC lại đổi lịch còn thuận lợi hơn lịch lần trước khi thi tất cả vào buổi chiều. Tuy nhiên, khi chúng tôi chuẩn bị thi đấu vào chiều 8.5 (ngày đầu tiên) thì buổi trưa lại nhận lịch mới là sẽ thi đấu ghép 2 nội dung 1.500 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật cách nhau có 20 phút, khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Theo quy định, nếu Oanh rút lui không thi đấu nội dung 1.500 m hoặc 3.000 m vượt chướng ngại vật thì sẽ không được thi đấu nội dung tiếp theo, nên chúng tôi quyết định cho Oanh thi đấu 2 nội dung liền kề nhau. Sau quyết định đó, tôi và Oanh dường như không tiếp xúc với nhiều người và hạn chế lên mạng xã hội để tránh vấn đề tâm lý. Thầy trò chỉ biết ra sân động viên nhau rằng chúng ta cứ đi từng chặng một, em cứ thi đấu 5.000 m xong, rồi sẽ đến 1.500 m và sẽ tính tiếp cự ly tiếp theo".
Căn cứ để ngành thể thao xây dựng danh sách đề xuất là nội dung Thông tư số 01 của Bộ VH-TT-DL về quy định tiêu chuẩn khen thưởng VĐV, HLV giành thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế, ban hành năm 2015.
Ngoài Nguyễn Thị Oanh là VĐV Việt Nam duy nhất được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì, nhiều VĐV xuất sắc khác được đề xuất nhận Huân chương Lao động hạng ba, trong đó có VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền với 3 HCV (trong đó có 1 HCV cá nhân, 2 HCV tiếp sức), 1 HCB.
Đội tuyển bơi có 3 VĐV được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, gồm Nguyễn Huy Hoàng (3 HCV trong đó 2 HCV cá nhân và 1 HCV tiếp sức, 1 HCĐ); Trần Hưng Nguyên (3 HCV trong đó có 2 HCV cá nhân, 1 HCV tiếp sức, 1 HCB, 1 HCĐ); Phạm Thanh Bảo (2 HCV cá nhân, phá 2 kỷ lục SEA Games).
Đội vật có 5 VĐV đươc trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, gồm Bùi Tiến Hải, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Xuân Định, Cấn Tất Dự. Cả 5 VĐV đều giành 1 HCV tại SEA Games 32, là HCV thứ 3 ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp môn có 1 nội dung thi đấu). Dương Thúy Vi (wushu), Bùi Trường Giang (wushu), Lại Gia Thành, Nguyễn Quốc Toàn (cử tạ) cũng có tên. VĐV pencak silat Nguyễn Duy Tuyến được trao tặng vì giành HCV ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp.
VĐV đội kun Khmer Bùi Yến Ly, VĐV đội kick boxing Nguyễn Thị Hằng Nga đều giành HCV ở 3 kỳ SEA Games, cùng với các đội lặn, arerobic, đua thuyền truyền thống cũng có các VĐV được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Dự kiến, vào 9 giờ ngay 23.5, lãnh đạo Nhà nước sẽ gặp mặt đoàn thể thao Việt Nam để tôn vinh và trao tặng các phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ cho các VĐV xuất sắc.
Bình luận (0)