Pacific Gas là công ty liên doanh giữa AIR WATER INC - Nhật Bản nắm 51% cổ phần và ông Nguyễn Thanh Tùng nắm 48,9%.
Theo bản án sơ thẩm vụ "tranh chấp hợp đồng lao động" giữa các bên, tháng 1.2020, ông Katsumi Kajiwara (Chủ tịch HĐQT công ty) thay mặt HĐQT Công ty Pacific Gas ký kết hợp đồng lao động với ông Nguyễn Thanh Tùng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Pacific Gas. Thời hạn của hợp đồng đến tháng 1.2023.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 23.2.2021, tại cuộc họp HĐQT, ông Masataka Murakami (thành viên HĐQT) cùng 20 người đã dùng áp lực và ép buộc ông phải giao con dấu, giấy chứng nhận kinh doanh và bàn giao lại hồ sơ, các phòng ban của công ty. Sau đó ông Tùng không được vào công ty để làm việc.
Cùng ngày trên, phía Công ty Pacific Gas cũng ban hành quyết định về việc bãi nhiệm chức vụ tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tùng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Pacific Gas đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật, nên ông khởi kiện đề nghị tòa án tuyên quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Pacific Gas là trái quy định pháp luật; buộc công ty nhận ông trở lại làm việc như hợp đồng lao động đã giao kết, cũng như bồi thường và trả lương cho ông trong thời gian không được làm việc...
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.Thủ Đức, hồi tháng 1.2023, HĐXX phân tích, căn cứ biên bản họp chi tiết HĐQT lần 13 ngày 23.2.2021 với thành phần tham dự có ông Katsumi Kajiwara (Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific Gas), ông Masataka Murakami, ông Nguyễn Thanh Tùng, thì HĐQT đã thông qua nhiều vấn đề, trong đó có việc bãi nhiệm ông Tùng khỏi vị trí tổng giám đốc kiêm người đại điện theo pháp luật.
Song, theo HĐXX sơ thẩm, biên bản cuộc họp HĐQT ngày 23.2.2021 không thể hiện việc công ty và ông Nguyễn Thanh Tùng đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động với nhau. Do đó, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty với ông Tùng căn cứ vào kết quả cuộc họp này là không có căn cứ.
HĐXX nhận định hợp đồng lao động giữa ông Nguyễn Thanh Tùng và Công ty Pacific Gas là một hợp đồng vừa phải tuân thủ các quy định của điều lệ công ty, luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân thủ các quy định của bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, Công ty Pacific Gas mới chỉ thực hiện theo quy định của luật Doanh nghiệp về việc bãi nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng khỏi chức danh tổng giám đốc, chứ chưa thực hiện việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của bộ luật Lao động.
"Việc Công ty xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Thanh Tùng chỉ căn cứ vào các vi phạm của ông Tùng trong điều hành, quản lý công ty mà không căn cứ vào pháp luật lao động quy định về trình tự thỏa thuận, thủ tục báo trước để chấm dứt hợp đồng lao động, là vi phạm khoản 3 điều 34, khoản 2 điều 36 bộ luật Lao động năm 2019", bản án nêu.
Từ các nhận định trên, HĐXX xác định việc Pacific Gas ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông Nguyễn Thanh Tùng thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 4.7
Từ đó, tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty Pacific Gas phải nhận ông Nguyễn Thanh Tùng trở lại làm việc theo hợp đồng lao động cho đến hết thời hạn thỏa thuận (7.1.2023). Buộc Pacific Gas phải thanh toán cho ông Tùng hơn 5,4 tỉ đồng, là tiền lương những ngày ông Tùng không được làm việc và một số khoản khác.
Bản án sơ thẩm cũng tuyên ông Nguyễn Thanh Tùng có trách nhiệm trả lại cho Pacific Gas khoản tiền thưởng cuối năm đã nhận 615 triệu đồng và tiền chênh lệch lương là hơn 1,3 tỉ đồng.
Sau bản án sơ thẩm, các bên có đơn kháng cáo, nên ngày 7.7. tới, TAND TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án trên.
Bình luận (0)