Trước đó, công chúng yêu mỹ thuật nói chung và yêu quý danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nói riêng đã được xem các phiên bản tranh của ông qua: Vựng tập Triển lãm tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, 1985); Tranh Nguyễn Tư Nghiêm trong sưu tập Nguyễn Thu Giang (NXB Mỹ thuật, 1994); Nguyễn Tư Nghiêm trong sưu tập Nguyễn Thu Giang (NXB Mỹ thuật, 2008).
Sinh thời, Nguyễn Tư Nghiêm mong muốn “nếu bây giờ in sách, tôi chỉ cần in tranh, không cần in chữ”. Nếu như vậy, người xem chỉ biết đến tranh Nguyễn Tư Nghiêm mà chưa biết đến cuộc đời nghệ thuật của ông. Quang Việt đã cho bạn đọc biết về Nguyễn Tư Nghiêm qua những khoảnh khắc và qua những góc nhìn. Đó là nội dung 2 cuộc trò chuyện của Quang Việt với Nguyễn Tư Nghiêm, vào năm 1999 và năm 2003. Thêm vào đó, phần chú dẫn về tiểu sử tuy ngắn gọn song cũng rất cụ thể những thông tin về quê hương, gia đình, đời riêng... của danh họa qua biên niên các năm.
Thuộc vào “bộ tứ mỹ thuật Việt Nam hiện đại” Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái), nhưng Nguyễn Tư Nghiêm lại chỉ đỗ vớt vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Bị đánh hỏng ở kỳ thi đầu, sang kỳ thi thứ hai, trường lấy 8 thí sinh, ông đỗ thứ 9, nhờ họa sĩ Tô Ngọc Vân can thiệp, ông mới được vào khóa XV Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1941.
Nguyễn Tư Nghiêm không thích nghi với nghệ thuật hàn lâm. Theo lời ông kể, nếu học ở trường lâu, cả ông và Bùi Xuân Phái thế nào cũng bị đuổi học. Tuy nhiên, ông khẳng định mình vẫn trở thành họa sĩ dù không học ở trường, đó là nhờ tự học vẽ qua thư viện. “Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng và tôi đều đã thoát khỏi ảnh hưởng của nhà trường. Tôi quay về dân tộc”, Nguyễn Tư Nghiêm kể với Quang Việt.
Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung đánh giá, nếu nói về tính dân tộc trong hội họa, thì Nguyễn Tư Nghiêm là vô địch. Đó là vì Nguyễn Tư Nghiêm đã hút hết cái tinh túy của nghệ thuật cổ kim đông tây và nghệ thuật Việt Nam cổ, rồi nhất thể hóa tất cả để tạo thành một phong cách dân tộc, hiện đại: Phong cách Nguyễn Tư Nghiêm.
Sinh năm Mậu Ngọ (1918), mất năm 2016, cùng với Chagall (1887 - 1985), Nguyễn Tư Nghiêm trở thành một trong hai bậc thầy hội họa có tuổi thọ cao nhất thế giới. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, Giải thưởng hội họa quốc tế Sophia (Bulgaria) năm 1983, Huân chương Độc lập hạng nhì…
Bình luận (0)