Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm nói về 2 tờ báo cách mạng

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
13/04/2022 07:31 GMT+7

Sự ra đời, hoạt động tuyên truyền hiệu quả của Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn đã xác lập chỗ đứng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng ở Huế , miền Trung và rộng ra là cả nước.

Ngày 12.4, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò chủ đạo của tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên - Huế”. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm đã đến dự và có phát biểu đánh giá vai trò của 2 tờ báo cách mạng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại hội thảo

T.T.H

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, mặc dầu tồn tại trong một giai đoạn ngắn, nhưng 2 tuần báo này đã có nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí và cả trong hoạt động chính trị.

"Sự ra đời, hoạt động tuyên truyền hiệu quả của Nhành LúaKinh tế Tân văn đã xác lập chỗ đứng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng ở Huế, miền Trung và rộng ra là cả nước, trong đó nổi bật lên vai trò chủ đạo của các nhà báo, đồng thời là nhà hoạt động cách mạng", ông Nguyễn Khoa Điềm đánh giá.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 85 năm tuần báo Nhành LúaKinh tế Tân văn - cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên tại Huế (1937-2022).

Hai tờ báo cách mạng giai đoạn 1936 - 1939

Theo tư liệu hội thảo, tờ Nhành Lúa do nhà báo Nguyễn Xuân Lữ đứng tên xin phép và làm chủ nhiệm kiêm quản lý. Tờ Kinh tế Tân văn do nhà báo Hồ Cát đứng tên người sáng lập. Cả hai tờ báo này đều là cơ quan ngôn luận công khai của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939).

Hai tờ tuần báo ra đời trong một hoàn cảnh hết sức hà khắc của chế độ cai trị, bên ngoài tỏ vẻ tự do dân chủ nhưng bên trong chúng lại thẳng tay đàn áp. Vì thế, hai tờ báo này tuổi thọ rất ngắn (kéo dài hơn 2 tháng). Trong đó, tuần báo Nhành Lúa chỉ ra được 9 số, Kinh tế Tân văn cũng tồn tại 4 số thì bị chế độ thực dân “bóp chết”.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Minh lê

Dù vậy, cả 2 tuần báo đều có sức hấp dẫn, cần kíp cho phong trào cách mạng nên đã đi vào đời sống thợ thuyền, quần chúng lao động và cả những viên quan lại tiến bộ, trí thức yêu nước đóng góp quan trọng trong việc định hướng chủ trương của Đảng để tái lập Đảng bộ tỉnh và dần từng bước thành lập các chi bộ cơ sở xem như Huyện ủy lâm thời của một số huyện.

Hội thảo thu hút 16 tham luận, các tác giả đã mang đến hội thảo nhiều góc nhìn mới, tư liệu mới, về một số nhà báo đã tham gia Ban biên tập Nhành LúaKinh tế Tân văn, làm sáng tỏ vai trò chủ đạo của báo chí trong giai đoạn 1936 - 1939 ở Huế.

Hội thảo cũng đề xuất nên tổ chức một không gian trưng bày hay xây dựng một bảo tàng báo chí ở Huế; đồng thời, tổ chức xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho báo chí cách mạng ở Thừa Thiên - Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.