Nguyệt thực cuối cùng năm 2023: Ở Việt Nam quan sát thế nào, khung giờ cụ thể?

28/10/2023 20:28 GMT+7

Rạng sáng 29.10, Việt Nam đón nguyệt thực một phần cuối cùng của năm 2023. Làm thế nào để quan sát tốt nhất?

Nguyệt thực là gì?

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) nguyệt thực là hiện tượng thiên văn xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng nằm trên một đường thẳng. Khi đó, mặt trăng di chuyển vào các vùng bóng của trái đất, đối diện với mặt trời nên chúng ta sẽ thấy mặt trăng bị che khuất.

Nguyệt thực cuối cùng năm 2023: Ở Việt Nam quan sát thế nào? - Ảnh 1.

Rạng sáng 29.10, Việt Nam sẽ có nguyệt thực.

HUY HYUNH

Từ đây, các nhà thiên văn học chia nguyệt thực làm ba loại, tương đương với ba vùng tối trái đất, gồm:

- Nguyệt thực toàn phần: Xảy ra khi mặt trăng nằm hoàn toàn vào vùng bóng tối của trái đất. Khi đó, mặt trăng sẽ chuyển màu đỏ cam do tán sắc ánh sáng, tương tự cơ chế của hoàng hôn hoặc bình minh.

- Nguyệt thực một phần: Xảy ra khi mặt trăng di chuyển vào giữa vùng bóng tối và bóng nửa tối của trái đất. Khi đó, mặt trăng sẽ bị che khuất một phần, trông giống như miếng bánh quy bị cắn dở nên dân gian còn gọi nguyệt thực một phần với cái tên thú vị “gấu ăn trăng”.

- Nguyệt thực nửa tối: Xảy ra khi mặt trăng chỉ di chuyển vào vùng bóng nửa tối của trái đất. Khi đó, bề mặt mặt trăng chỉ tối đi chút xíu, không có gì quá rõ ràng hay khác thường.

HAS cho biết nguyệt thực ngày 29.10 là nguyệt thực một phần, khi mặt trăng đi qua giữa vùng bóng tối và bóng nửa tối. Nguyệt thực lần này sẽ được nhìn thấy trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và miền Tây Australia. Đây cũng là lần cuối trong năm 2023 chúng ta được quan sát sự kiện thiên thực.

Quan sát khung giờ nào?

Hội Thiên văn Hà Nội cho biết nguyệt thực có thể được nhìn thấy từ mọi nơi ban đêm trên trái đất, nếu bầu trời quang đãng. Ở một số nơi, toàn bộ nguyệt thực sẽ được nhìn thấy, trong khi ở những khu vực khác, mặt trăng sẽ mọc hoặc lặn trong thời gian nguyệt thực.

Nguyệt thực cuối cùng năm 2023: Ở Việt Nam quan sát thế nào? - Ảnh 2.

Hội Thiên văn Hà Nội cho biết nguyệt thực có thể được nhìn thấy từ mọi nơi ban đêm trên trái đất.

HUY HYUNH

Ở Việt Nam, nguyệt thực bắt đầu vào 1 giờ 1 phút 48 giây, kết thúc vào 5 giờ 26 phút 25 giây rạng sáng ngày 29.10, pha một phần kéo dài trong khoảng 1 tiếng 17 phút. Dưới đây là thời gian chi tiết theo giờ Hà Nội:

- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 1 giờ 1 phút 48 giây.

- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 2 giờ 35 phút 25 giây.

- Nguyệt thực ở pha cực đại: 3 giờ 14 phút 5 giây.

- Nguyệt thực một phần kết thúc: 3 giờ 52 phút 40 giây.

- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 5 giờ 26 phút 25 giây.

Các nhà nghiên cứu cho biết do nguyệt thực lần này, mức độ che khuất của mặt trăng khá nhỏ, bạn sẽ cần công cụ hỗ trợ quan sát như ống nhòm hay kính thiên văn. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường. Hãy chọn một nơi đủ tối, quang đãng để quan sát. Vì sự kiện này diễn ra sau nửa đêm đến rạng sáng nên bạn cần chuẩn bị một sức khỏe tốt để chiêm ngưỡng toàn bộ nguyệt thực một cách trọn vẹn nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.