Trước khi tác phẩm Hành trình tử thần, ghi chép từ nước Anh của nhà báo Đào Duy Bình đến với bạn đọc thì cách đây không lâu, ngày 23.10.2019 dư luận thế giới đã chấn động về thông tin phát hiện thi thể 39 người Việt trong một container tại Khu Công nghiệp Waterglade (Hạt Essex) tại nước Anh.
Ngay lập tức cuộc điều tra nhanh chóng diễn ra: “Có lẽ là một trong những lần hiếm hoi đầu tiên kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc mới có một vụ án mà nhiều nước gồm Anh, Việt Nam, Pháp, Bỉ… phối hợp chặt chẽ đến như vậy”, phóng viên của đài BBC đã nói với nhà báo Đào Duy Bình như vậy.
Càng thương những con người phiêu dạt khắp mọi chân trời
Về cái chết thương tâm này, khi khám nghiệm “Vì đây là xe đông lạnh nên lúc đầu có giả thiết cho rằng, nạn nhân đã chết cóng. Tuy nhiên, hình ảnh nạn nhân cởi hết quần áo đã bác bỏ giả thuyết này”. Họ đã chết vì thiếu không khí để thở, không thể nào vượt thoát ra ngoài thùng sắt bít bùng. Sự tuyệt vọng đã đến chậm rãi từng giây, từng phút thật kinh hoàng, vì thế, có lẽ chúng ta không thể không ứa lệ khi đọc dòng tin nhắn cuối cùng của cô bé Trà My: “Con xin lỗi mẹ. Con đường đi nước ngoài đã không thành rồi mẹ ơi. Con thương bố mẹ nhiều lắm! Con chết vì không thở được”.
Trước sự kiện đau lòng này, nhà báo Đào Duy Bình đã “vào cuộc”, đã nỗ lực dựng lại một hành trình khủng khiếp mà cuối cùng là máu và nước mắt - từ nhiều nguồn điều tra, ghi chép qua các chuyến đi thực địa. Điều khiến chúng ta ấm lòng khi biết Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự lúc ấy đã chỉ đạo Công an Hà Tĩnh: “Quyết tâm làm càng nhanh càng tốt, lôi bằng được ra ánh sáng nhóm người đưa người Việt Nam vượt biên trái phép”, như thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng an ninh điều tra Hà Tĩnh thổ lộ.
Vụ án này đã đưa ra xét xử, liệu chừng sau đó, các chuyến đi tử thần sẽ không có tái diễn? Tôi lưu ý với nhận định của thượng tá Tuấn, là chỉ có thể hạn chế phần nào, bởi “những lời mời gọi từ những người đồng hương đã sang kiểu như: ‘Qua đây dễ kiếm tiền lắm…’ sẽ khiến không ít người càng muốn ra đi”.
Vậy, có thật sự khi vượt biên trái phép sang nước Anh (hoặc bất kỳ nước nào khác) có “dễ kiếm tiền” không? Nhà báo Đào Duy Bình đã có sự trải nghiệm, chứng kiến, trao đổi, gặp gỡ từ nhiều nhân chứng tại nước Anh. Qua đó, anh đã vẽ lên lắm mảnh đời khác nhau với mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố khiến ta có lúc mỉm cười, có khi đắng lòng: “Tôi hỏi anh Phát - một người Việt quê ở Nghệ An đã có khoảng 15 năm sống tại Anh, nhưng vẫn chưa nhập được quốc tịch là anh dự định tương lai thế nào, chẳng lẽ cứ sống cuộc đời “vô hình” trên đất khách quê người? Anh Phát đáp: Tôi không còn đường trở lại” - nhà báo Đào Duy Bình kể. Rõ ràng, câu nói này đã cho thấy một trong rất nhiều số phận bi đát, hỡi ôi, chúng ta nghĩ gì về người Việt đã lưu lạc xứ người như anh Phát?
Biết thêm những thông tin này, ta lại càng thương những con người phiêu dạt khắp mọi chân trời đã mưu sinh lương thiện, cật lực gom góp những đồng tiền nặng trĩu mồ hôi gửi về quê nhà. Chỉ vì họ muốn gia đình mình có cơm no áo ấm, đời sống sung túc hơn.
Hành trình tử thần, ghi chép từ nước Anh của nhà báo Đào Duy Bình cho thấy sự mưu sinh nhọc nhằn đáng quý của người xa xứ nhưng đánh đổi thật khốc liệt, thậm chí còn là lằn ranh sinh tử quá mong manh. |
Qua tập sách Hành trình tử thần, ghi chép từ nước Anh của nhà báo Đào Duy Bình, ta thấy sự mưu sinh nhọc nhằn ấy đáng quý nhưng phải đánh đổi thật khốc liệt, thậm chí còn là lằn ranh sinh tử quá mong manh, khiến chúng ta có nhiều suy ngẫm, và tự hỏi, bao giờ mới chấm dứt thân phận người Việt. Tự dưng tôi chợt nghĩ đến những câu thơ thay cho lời kết: “Ngậm ngùi. Ứa lệ. Và đau đớn/Người Việt da vàng máu vẫn tươi/Linh hồn lạc lõng ngoài đất Mẹ/Chỉ còn buốt máu lạnh mồ hôi…”.
Bình luận (0)