Di sản kiến thức của học giả An Chi sẽ sống mãi với nhiều thế hệ

13/10/2022 09:39 GMT+7

Đêm qua, đăng lên trang cá nhân dòng tin ngắn vĩnh biệt học giả An Chi và muốn dừng lại ở đó, để lắng lòng mình trước những kỷ niệm đã thuộc về quá khứ nhưng rồi có nhiều điều thôi thúc khiến giấc ngủ không tròn.

Tôi bật dậy, muốn nhắc lại một vài hồi ức về học giả An Chi, trong những ngày tình cờ nghề viết báo kéo chúng tôi gần lại với nhau. Đó là quãng thời gian đầy vui buồn, với cái nghề bất đắc dĩ của những trí thức thất cơ lỡ vận, anh thì sau một thời gian dài đi theo lý tưởng của một thời tuổi trẻ, trở về cuộc sống đời thường, còn tôi thì sau những vất vả, chạy đi tìm một công việc lương thiện nào đó để nuôi sống gia đình.

Lần đến thăm cụ Bằng Giang, trung tuần tháng 8.2000. Từ trái qua: cụ Bằng Giang, anh An Chi, Lê Nguyễn

PHAN HOÀNG

Kỷ vật cuối cùng của anh An Chi với tác giả

Học giả An Chi nổi tiếng với tấm gương tự học, tự nghiên cứu

QUỲNH TRÂN

Những ngày thập niên 1990, khi chưa có internet, hay đã có, nhưng vẫn rất sơ khai, anh cũng như tôi vẫn còn viết báo bằng cách chép tay, phương tiện để liên lạc với nhau không có Facebook, Messenger như bây giờ, chỉ duy nhất đường dây bưu điện.

Dạo đó, tôi biết ít nhất có hai người bạn thường xuyên liên lạc với anh hằng đêm, đó là anh Hoàng Dũng, giáo sư ngôn ngữ học, và tôi. Khi ấy, anh Hoàng Dũng và tôi chưa quen biết nhau như bây giờ, nhưng có nhiều lần tôi gọi cho anh, chị An Chi bắt máy, nghe giọng tôi mà cứ tưởng là anh Hoàng Dũng.

Những ngày tháng đó, câu chuyện đêm đêm của chúng tôi qua đường dây điện thoại có khi kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ. Nghề của anh thường đụng chạm với nhiều người, vì đề cập đến điều gì, lương tâm trách nhiệm buộc anh phải nói đến đầu đến đũa mới đủ sức thuyết phục người đọc và kéo họ về theo quan điểm của mình. Vì thế, bên cạnh hầu hết độc giả yêu mến chuyên mục Chuyện Đông Chuyện Tây của tạp chí Kiến thức ngày nay, có không ít người không ưa cái cung cách phê bình, phản biện thẳng thắn, không khoan nhượng của anh.

Bước ngoặt “than củi” nên một An Chi quyết liệt

Cũng chính sự không khoan nhượng đó kéo dài và kéo theo những bất đồng ngấm ngầm về nhiều mặt, cuối cùng dẫn đến việc anh tự ý rời bỏ Chuyện Đông Chuyện Tây, khiến rất nhiều độc giả tiếc nuối một chuyên mục mà họ hằng yêu mến. Một bạn viết từng làm Thư ký tòa soạn một tạp chí cũng khá nổi tiếng lúc bấy giờ đã “tâm tình” với tôi là mỗi khi cầm tờ Kiến thức ngày nay mới phát hành trên tay, mục đầu tiên anh giở ra đọc chính là… Chuyện Đông Chuyện Tây!

Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM được tổ chức kéo dài, tạp chí Kiến thức ngày nay đã làm một việc có ý nghĩa là xuất bản cho mỗi cộng tác viên thân thiết một quyển sách mỏng, như một kỷ niệm, anh An Chi, Trần Phò, tôi và vài anh em khác nữa là những người nhận được sự ưu ái này. Gọi là “ưu ái”, vì vào thời điểm này, có một quyển sách được xuất bản là điều không dễ. Người đề tựa sách của anh là nhà ngôn ngữ học lừng danh Cao Xuân Hạo, người mà anh rất quý mến; còn người đề tựa sách của tôi, quyển Thành cổ Sài Gòn và các vấn đề về triều Nguyễn, chính là… anh. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ!.

Tôi muốn nhân đây nhắc lại một đoạn viết đáng chú ý của ông Cao Xuân Hạo trong Lời tựa các tập sách mỏng Chuyện Đông Chuyện Tây của anh ấn hành vào những năm cuối thập niên 1990: “Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm trung cấp Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội), anh đi dạy cấp hai ở Thái Bình. Nhưng chỉ sáu năm sau, vì bị coi là có những tư tưởng lệch lạc, anh bị thải hồi, và vì hoàn toàn không nơi nương tựa, anh phải ở nhờ nhà một bác cấp dưỡng tốt bụng. Sau đó, anh xin được làm hợp đồng trong trường bồi dưỡng giáo viên của tỉnh, chuyên mua than củi, muối gạo cho trường…”(hết trích). Chính bước ngoặt “than củi” đó đã tạo nên một An Chi sau này, nhờ công việc “hạ tầng” nhưng nhàn nhã ấy, anh mới có dịp đọc thật nhiều, tích lũy thật nhiều kiến thức cho quãng đời sau.

Ở một đoạn khác, ông Cao Xuân Hạo đã viết một cách khá “hài hước” về An Chi: “An Chi bao giờ cũng nuôi một niềm tri ân chân thành và sâu xa đối với những người lãnh đạo đã thải hồi anh, vì chính nhờ họ mà anh được bắt tay vào một việc xưa nay vẫn là ước mơ tha thiết nhất của đời anh: học, học thực sự, học để biết, để trở thành người có ích, chứ không phải để có bằng này, bằng nọ, hay danh vị này, danh vị khác...” (hết trích).

Thủ bút của anh An Chi trong những tập Chuyện Đông Chuyện Tây đầu tiên

Học giả An Chi, những gì anh đóng góp cho đời thật vô cùng to lớn. Di sản kiến thức của anh sẽ sống mãi với nhiều thế hệ về sau

QUỲNH TRÂN

Không rõ anh An Chi có kể cho ông Hạo nghe lý do của việc anh bị thải hồi hay không, riêng tôi, trong câu chuyện “bù khú” đêm khuya với nhau, tôi có lần được nghe anh kể, đó là một lá thư anh viết cho người bạn thân, viết dang dở, bỏ lại trong hộc bàn làm việc sau khi hết giờ công sở. Tôi không được phép tiết lộ thêm nội dung những gì trong lá thư dang dở đó.

Những năm cuối thập niên 1990, anh An Chi và tôi cùng gặp nhau ở một cái nhìn, đó là niềm kính trọng sâu sắc đối với nhà nghiên cứu văn học miền Nam Bằng Giang (1920-2000), cả về tài năng, tấm lòng, và nhân cách. Trong những ngày cụ đau yếu, dù ở xa nhau, anh và tôi cũng ít nhất hẹn nhau hai lần đến thăm cụ Bằng Giang. Lần cuối cùng thăm cụ vào trung tuần tháng 8 năm 2000, khi ấy cụ đã mệt nhiều lắm rồi, nhưng ngồi với chúng tôi, cụ vui lắm. Ngày 7.9.2000, cụ Bằng Giang qua đời, chúng tôi không hay kịp để đến thắp cho cụ nén hương tiễn biệt, tôi may mắn chuộc lỗi mình bằng bài viết tưởng niệm cụ đăng trên Kiến thức ngày nay số 366 ngày 10.10.2000.

Khoảng những năm 2009-2010, kênh truyền hình VTC7 (Today TV), mà một trong những người tổ chức rất quý mến An Chi, đã đến nhà mời anh tham gia chương trình phát hình Hỏi đáp Đông Tây hằng tuần của đài, dưới hình thức “khán giả hỏi, khách mời trả lời”, phỏng theo chuyên mục Chuyện Đông Chuyện Tây của anh trên Kiến thức ngày nay. Khi tiếp họ, anh tự lượng về sức nặng tuổi tác, sức khỏe, xin từ chối và giới thiệu tôi.

Thế là sự tình cờ run rủi này đã đưa tôi chường mặt trên chương trình Hỏi đáp Đông Tây suốt 26 kỳ phát hình liên tiếp, vừa với tư cách đồng MC, vừa là khách mời trả lời những câu hỏi lịch sử của khán giả. Về phần An Chi, anh cũng tham gia trả lời nhiều câu hỏi trong nhiều tập Hỏi đáp Đông Tây (cùng với nhà văn hóa Trần Văn Khê và nhiều chuyên gia khác). Đó cũng là một kỷ niệm khó quên.

Ngày 18.5.2019 , NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức tại Đường sách buổi giới thiệu quyển sách của tôi vừa phát hành, anh đến dự, ngồi ở hàng ghế giữa dành cho khán giả, chúng tôi gặp lại nhau, vui như chưa từng được gặp nhau bao giờ. Trong dịp này, anh không quên mang theo, tặng tôi quyển Câu chữ truyện Kiều mới xuất bản.

Niềm vui gặp lại giữa hai người bạn cũ (18.5.2019) của cụ An Chi (trái) và Lê Nguyễn tại Đường sách TP.HCM

NVCC

Học giả An Chi, những gì anh đóng góp cho đời thật vô cùng to lớn. Di sản kiến thức của anh sẽ sống mãi với nhiều thế hệ về sau. Đó là điều mà anh có thể tự hào và giữ lòng thanh thản trong cuộc sống an lạc ở thế giới vĩnh hằng. Bài viết này là nén hương tiễn biệt anh, rồi chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau ở cõi khác, một cõi sống không có những ngang trái, muộn phiền, chỉ có đồng cảm và yêu thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.