Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt: Vụ án Nguyễn Văn Thuyên

13/10/2022 07:09 GMT+7

Trong mối quan hệ giữa hai khai quốc công thần của vua Gia Long là Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, có nhiều ngộ nhận về hành động của Tả quân Duyệt đối với Trung quân Nguyễn Văn Thành và người con của ông là Nguyễn Văn Thuyên.

Theo sách Đại Nam thực lục, trong một trận đánh vào tháng 11 âm lịch (AL) năm 1800, Nguyễn Văn Thành là chủ tướng, Lê Văn Duyệt là phó tướng. “Thành vốn thích rượu, sắp ra trận thì đem bầu ra tự rót uống, rót một chén đưa cho Duyệt. Duyệt không chịu uống, Thành cố ép, nói: “Nay trời lạnh, uống một chén cho mạnh thêm lên!”. Duyệt nói: “Ai yếu nhát mới phải mượn rượu, còn tôi thì trước mắt không thấy có giặc nào mạnh, cần gì đến rượu”. Thành có vẻ xấu hổ, do đó căm Duyệt” (Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục, 2002, trang 422).

Có lẽ câu chuyện kể trên là đầu mối của nhiều ngộ nhận về hành động của Tả quân Duyệt đối với hai sự kiện quan trọng liên quan đến Trung quân Nguyễn Văn Thành và người con là Nguyễn Văn Thuyên.

Thuyên đỗ cử nhân trong khoa thi Hương năm 1813, vì là con của một đại thần, lại sính chữ nghĩa, nên nhà có nhiều tân khách. Một ngày nọ, Thuyên cho môn hạ là Nguyễn Trương Hiệu đi mời hai người ở Thanh Hóa có tiếng giỏi văn thơ là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, mang theo một bài thơ do Thuyên làm, phần cuối có hai câu: “Thử hồi nhược đắc sơn trung tể, tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ”, có nghĩa là “phải chi có được vị tể tướng chốn sơn trung, giúp ta xoay chuyển cơ trời”.

Một phần Lăng hoàng gia tại Gò Công (Tiền Giang), nơi có mộ phần Thượng thư Phạm Đăng Hưng, người từng điều tra Nguyễn Văn Thuyên

tư liệu

Về điểm này, theo Đại Nam liệt truyện, “Câu thơ ấy, lời nói có ý bội nghịch, Hiệu đem câu thơ ấy phê với Hình bộ thiêm sự Nguyễn Hữu Nghi, Nghi vốn oán Thành, xin Hiệu đem thơ ấy tố cáo với Lê Văn Duyệt, Duyệt cùng Thành vốn không hòa hợp, đem câu thơ ấy dâng lên vua, vua nghĩ sự trạng chưa rõ giả lại tờ ấy” (sđd, tập 2, quyển 21, mục XVIII, NXB Thuận Hóa, Huế 2006).

Sách Đại Nam thực lục (sđd, tập 1, trang 913-914) cũng ghi chép về chuyện này tương tự như trên. Dựa vào chi tiết ấy, liệu có thể cho rằng việc tâu lên nhà vua bài thơ “phản nghịch” của con trai Trung quân Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên xuất phát từ chủ ý của Tả quân Lê Văn Duyệt muốn hãm hại ông Thành không? Tất nhiên là không, vì ngần ấy chi tiết trong chính sử không đủ để quy trách cho ông Duyệt. Người phát hiện ra điều phản nghịch là Nguyễn Trương Hiệu đã đem sự việc báo cho Hình bộ Thiêm sự Nguyễn Hựu Nghi và Nghi sai Hiệu mang bài thơ ấy cáo với Lê Văn Duyệt, liệu ông Duyệt có dám giấu kín bài thơ ấy, không tâu lên vua không? Tất nhiên là không. Làm điều khuất tất này, đầu ông sẽ rơi, vì nếu ông giấu bài thơ, vua Gia Long được tâu lên qua hình thức tố giác khác, sao ông tránh được tội khi quân? Quốc sử quán liên kết hành động này với việc “Duyệt với Văn Thành vốn không ưa nhau” (Đại Nam thực lục - sđd, trang 914) là chuyện làm khiên cưỡng, vì nếu cả hai có là bạn đồng liêu thân thiết, ông Duyệt cũng không thể làm khác hơn.

Về phần vua Gia Long, ông cũng chứng tỏ mình không phải là một hôn quân. Khi nhận được bài thơ, “Vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về” (Đại Nam thực lục, sđd, trang 914). Những chi tiết tiếp sau cho thấy vua Gia Long đã không nhân việc này mà trả đũa Nguyễn Văn Thành qua việc ông chống lại ý định của nhà vua muốn đưa hoàng tử Đảm lên ngôi thái tử, như nhiều lời đồn đoán trong dư luận.

Sau khi nhà vua hoãn lại vụ việc, Nguyễn Trương Hiệu tìm gặp Nguyễn Văn Thuyên đòi hối lộ, Thuyên chi mãi cũng không vừa lòng. Hiệu đợi ông Thành hết buổi chầu, đón đường hỏi tiền tiếp. Vị Trung quân đang bị thất sủng bực quá, cho bắt cả Trương Hiệu và Văn Thuyên giao cho ngục quan Quảng Đức giam rồi tâu lên vua Gia Long. Nhà vua giao đình thần xét án, song do nhân chứng quan trọng đang ở Gia Định nên tạm thời tha Văn Thuyên khỏi ngục, chờ nhân chứng từ Gia Định về kinh để đối chất.

Tháng 2 AL 1816, viên ký lục tỉnh Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa (chánh tam phẩm) vào chầu, dâng sớ hạch tội Nguyễn Văn Thành là con âm mưu làm phản, đã “không biết đến cửa khuyết chịu tội, mà còn áo triều, mũ triều, nghênh ngang đứng ở trên các đình thần, như thế thì còn thể thống triều đình chi nữa” (Đại Nam thực lục, sđd, trang 918). Mỗi lời tâu như thế là thêm một áp lực đè nặng lên tâm trí vua Gia Long.

Tháng 4 AL 1816, nhà vua giao cho Thượng thư Lễ bộ Phạm Đăng Hưng việc tra xét Nguyễn Văn Thuyên nhưng không có kết quả, vì theo lời họ Phạm, Thuyên tỏ ra không phục. Việc tra xét lại được giao qua Tả quân Lê Văn Duyệt và lần này Thuyên chịu phục.

Thuyên bị tiếp tục giam giữ trong hơn một năm nữa và bị xử lăng trì vào tháng 5 AL 1817, ngay sau cái chết của cha là Nguyễn Văn Thành, tự tử tại nhà. Bị xử lăng trì cùng Thuyên còn có Lê Duy Hoán, con cháu nhà Lê, từng được vua Gia Long phong tước Diên Tự công, sau bị bắt về tội phản nghịch.

Chỉ vì hai câu thơ mà bị vu cho là mưu phản, Thuyên phải trả giá bằng sinh mạng, một phần vì nhiều quan lại trong triều muốn dùng trường hợp của Thuyên để bức hại Nguyễn Văn Thành. Chúng ta không thấy bàn tay rõ rệt nào của Lê Văn Duyệt trong vụ án này cả. (còn tiếp)

Những ngộ nhận về Tả quân Lê Văn Duyệt

Việc chọn thái tử kế vị vua Gia Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.