Nhà báo điều tra thảm sát Mỹ Lai nói Mỹ phá hoại Nord Stream, Washington phủ nhận

09/02/2023 08:40 GMT+7

Nhà Trắng ngày 8.2 đã thẳng thừng phủ nhận Mỹ đứng sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream sau khi một nhà báo điều tra kỳ cựu nói Washington đánh bom đường ống này.

Mỹ phủ nhận đứng sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream - Ảnh 1.

Bong bóng khí đốt nổi trên mặt biển ngày 27.9.2022 tại nơi đường ống Nord Stream 2 bị vỡ

REUTERS

Theo AFP, Nhà Trắng ngày 8.2 đã phủ nhận báo cáo mới của nhà báo điều tra kỳ cựu Seymour Hersh rằng Washington đứng sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm ngoái.

Trong một báo cáo tự xuất bản ngày 8.2, ông Hersh, người đã nhận giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ loạt bài điều tra về vụ thảm sát Mỹ Lai, viết rằng các thợ lặn của hải quân Mỹ với sự giúp đỡ của Na Uy đã đặt chất nổ trên các đường ống Nord Stream dưới biển Baltic vào tháng 6.2022 và kích nổ ba tháng sau đó.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson sau đó đã lên dịch vụ web Substack gọi báo cáo của nhà báo Hersh là "hoàn toàn hư cấu".

Nhà báo điều tra thảm sát Mỹ Lai nói Mỹ phá hoại Nord Stream, Washington phủ nhận

Người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) cũng lặp lại lời phủ nhận của Nhà Trắng và gọi báo cáo của ông Hersh là "hoàn toàn sai sự thật".

Khi được hỏi rằng Oslo có hỗ trợ chiến dịch phá hoại như ông Hersh đã nói hay không, Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết: "Những tuyên bố này là sai".

Còn đài RT của Nga dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev bình luận rằng ông không có thông tin về thủ phạm phá hoại đường ống Nord Stream.

Sau vụ nổ đường ống Nord Stream dẫn khí đốt từ Nga đến Đức hồi tháng 9, phương Tây cáo buộc Nga gây ra vụ việc. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc điều tra của chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức vẫn chưa hướng mũi tên về bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào.

Nhà báo Hersh cho biết quyết định đánh bom các đường ống dẫn khí được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra một cách bí mật nhằm cắt đứt khả năng Moscow kiếm được hàng tỉ USD từ việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Theo ông Hersh, Mỹ cũng tin rằng các đường ống mang lại cho Nga đòn bẩy chính trị đối với Đức và Tây Âu. Điều này có thể được sử dụng để làm suy yếu cam kết của châu Âu với Ukraine sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự.

Quan chức phương Tây nói không có bằng chứng Nga làm nổ đường ống Nord Stream

Nhà báo Hersh chỉ ra rằng hai tuần trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào ngày 24.2.2022, chính Tổng thống Biden đã công khai nói rằng Mỹ sẽ không cho phép đường ống Nord Stream 2 vận hành nếu Nga tấn công Ukraine.

Ông Hersh trích dẫn một nguồn giấu tên duy nhất cáo buộc rằng ý tưởng này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12.2021 trong các cuộc thảo luận giữa các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông Biden về cách đối phó với việc Nga có thể tấn công Ukraine.

Nhà báo Hersh viết rằng CIA đã phát triển kế hoạch này. Dưới vỏ bọc của các cuộc tập trận NATO vào tháng 6.2022, các thợ lặn của hải quân Mỹ với sự giúp đỡ từ Na Uy đã đặt chất nổ có thể kích nổ từ xa lên các đường ống.

Sau khi đường ống bị phá hoại vào ngày 26.9, các quốc gia được cho là có động cơ hành động gồm Nga, Đức, Ukraine, Ba Lan, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, phương Tây cáo buộc Nga gây ra vụ việc còn Moscow nói rằng Mỹ và Anh đứng sau vụ phá hoại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.