Nhà báo làm mới mình bằng công nghệ

21/06/2023 07:00 GMT+7

Báo chí nói riêng, truyền thông nói chung trong thế kỷ 21 đang đối mặt với sự bùng nổ thông tin do những tiến bộ về internet và kỹ thuật số. Nhưng sau những lo ngại về "ngày tận thế" của báo in và truyền hình, đội ngũ báo chí đã biết cách thay đổi để phát triển.

Thông điệp đầu thế kỷ

Hồi đầu thập niên 2000, Douglas Ahlers (người sáng lập Công ty quảng cáo - truyền thông Modem Media, nhà tiên phong trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyếnthương mại điện tử, làm việc tại Trung tâm khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer thuộc ĐH Harvard) đã cùng với John Hessen (một nhà tư vấn truyền thông tại Silicon Valley, chuyên về các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và chính trị) tiến hành một nghiên cứu công phu được Quỹ báo chí Nieman, Harvard tài trợ. Hai ông kể câu chuyện của một sinh viên tốt nghiệp Harvard đến dự một cuộc phỏng vấn xin việc làm tại tòa soạn tờ The New York Times. Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi tại sao cô lại muốn theo đuổi công việc trong một ngành công nghiệp mà có thể sẽ không còn tồn tại chỉ trong vòng một thập niên tới?!

Nhà báo làm mới mình bằng công nghệ - Ảnh 1.

Độc giả tham gia trải nghiệm công nghệ đọc báo thông minh trên Thanh Niên Online

Đào Ngọc Thạch

Câu chuyện khi đó nêu ra một thông điệp rõ ràng là internet đang giết chết các tờ báo in trong không bao lâu nữa!

Giáo sư John V.Pavlik, Chủ tịch Viện Báo chí và truyền thông học tại ĐH Rutgers (Mỹ), trong cuốn sách Truyền thông đại chúng trong thời đại kỹ thuật số do ĐH Columbia ấn hành, cũng nhấn mạnh: Công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi căn bản tính chất, chức năng của các phương tiện truyền thông, đồng thời phá vỡ truyền thông truyền thống. Quảng cáo được cải trang như tin tức cũng phát triển tạo ra cảm giác nửa hư nửa thật cho người đọc. Kỹ thuật số dạy cho trẻ em nhiều kỹ năng có giá trị, nhưng cũng phơi bày những rủi ro nghiêm trọng và có những biểu hiện tiêu cực về mặt đạo đức xã hội.

Đối với báo chí truyền thống, kỹ thuật số sẽ dẫn tới tình trạng "phân mảnh khốc liệt và cạnh tranh gay gắt" mà một trong các hệ quả của nó là doanh thu quảng cáo sẽ ngày càng sụt giảm và lượng in thấp dần...

Từ năm 2005, tờ The Washington Post chủ nhật từng chạy các tít lớn: "Các tờ báo đáng kính đang gặp khó khăn". Tạp chí The Wilson từ năm 2010 cũng dành riêng số chuyên đề mang tên Sự sụp đổ của Big Media. Ý tưởng cho rằng sự gia tăng của internet báo hiệu "ngày tận thế" cho báo in và tin tức truyền hình bắt nguồn từ việc coi internet như một công nghệ đột phá hơn là một công nghệ hỗ trợ. Giáo sư Clayton Christensen của Trường Kinh doanh Harvard định nghĩa công nghệ hỗ trợ tạo ra những thay đổi thông qua các cải tiến tăng thêm, trong khi công nghệ đột phá tạo ra một sân chơi mới, gỡ bỏ các rào cản truyền thống và chuyển đổi hoàn toàn một ngành công nghiệp hay một thị trường. Sự xuất hiện của internet chắc chắn chứa đựng đặc điểm của một công nghệ đột phá, nhưng tác động của nó đối với ngành công nghiệp tin tức lại ít sâu sắc hơn so với dự đoán.

Nhà báo làm mới mình bằng công nghệ - Ảnh 2.

Phóng viên Báo Thanh Niên tác nghiệp đa phương tiện trong giai đoạn dịch Covid-19 tại TP.HCM

Ngọc Hân

Việc sử dụng đa kênh truyền thông đã trở thành thói quen bao quát của người tiêu thụ tin tức, với các hồ sơ khả tín và công khai tạo ra bởi các phương tiện truyền thông ngoại tuyến, làm nên đòn bẩy rất lớn cho các phương tiện trực tuyến. Và ngược lại, số người trực tuyến cao cũng có thể tạo ra doanh số bán hàng cao hơn tại các sạp báo.

Vậy tác động do internet tạo ra trên phương tiện thông tin truyền thống là gì, và tương lai sẽ ra sao?

Để đánh giá đúng tương lai của các phương tiện thông tin, cần lưu ý rằng việc kinh doanh tin tức phải phục vụ đồng thời 2 thị trường tương quan với nhau: người đọc báo và nhà quảng cáo. Mặc dù số lượng báo in giảm đi và các số liệu thống kê cho biết báo in và truyền hình chắc chắn đã bị mất một phần khách hàng, nhưng vẫn chưa phải trải qua tình trạng giảm tương ứng doanh thu về quảng cáo. Các nghiên cứu dự đoán rằng dù thị trường ngày càng phân mảnh, các nhà quảng cáo vẫn không tìm thấy bất kỳ sự thay thế thích hợp nào cho các phương tiện truyền thông truyền thống.

Chuyển ðộng mới ở Việt Nam

Trong khi những nghiên cứu và dự đoán ban đầu về "cái chết tức tưởi" của các phương tiện thông tin truyền thống được phóng đại lên nhiều lần, cuối cùng, thực tế đã chứng minh đó là sự hấp tấp vội vàng. Bởi những người lo ngại về "ngày tàn" của truyền thông truyền thống chưa hiểu tính chất bổ sung cho nhau giữa phương tiện truyền thông trực tuyến và ngoại tuyến.

Lo ngại về sự "lụi tàn" của báo in ở Việt Nam đầu những năm 2000 là có thật. Trong giai đoạn 2000 - 2010, báo in và quảng cáo trên báo in của các tờ báo lớn vẫn là nguồn thu chính của các tòa soạn. Quảng cáo các sản phẩm điện máy, điện thoại di động, dược phẩm và thức uống… vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các tòa soạn đều bắt đầu mở trang online, báo điện tử dần có mặt…

Trong ít nhất 10 năm đầu của thế kỷ 21, mọi người đều tin rằng báo chí truyền thống và online sẽ tiếp tục song hành, tương hỗ cho nhau. Một Tổng biên tập đã nói với người viết: cho dù dung lượng online là rất lớn nhưng bạn đọc với thói quen mua báo in vẫn tiếp tục đọc những bài phân tích sâu sắc, chi tiết hơn trên báo in. Vào thời kỳ đó, quảng cáo online vẫn chưa mạnh. Phòng quảng cáo ở các tòa soạn vẫn tiếp tục mở rộng để tiếp cận bạn hàng kinh doanh giới thiệu sản phẩm trên báo in.

Thêm vào đó, sự kiện 11.9.2001 tại Mỹ tác động mạnh đến lượng phát hành báo in ở Việt Nam. Số bản in của các tờ báo lớn đều tăng nhanh, càng lôi kéo các nhà quảng cáo và nhãn hàng. Thu nhập quảng cáo từ báo in khi đó nhận phần "bù lỗ" cho trang tin điện tử…

Tuy vậy, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, với tác động của các biện pháp cách ly xã hội, việc phát hành báo in đến bạn đọc và các sạp báo giảm hẳn. Từ năm 2020, tình trạng này "tiếp sức" cho báo điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt. Đó cũng là cơ hội cho quảng cáo trực tuyến trên các trang báo online và các nền tảng khác như YouTube, Facebook… Nhiều nhà in do các báo lớn xây dựng cũng bắt đầu được bán đi để thu hồi vốn vì hoạt động không còn hiệu quả.

Đến nay, báo chí truyền thống Việt Nam tuy vẫn duy trì bản in, nhưng các trang online của họ phát tiển nhanh hơn. Việc kênh YouTube Báo Thanh Niên vượt qua mốc 5 triệu người đăng ký đã cho thấy điều đó. Số lượng các quầy báo ở một thành phố như Đà Nẵng chỉ còn lại 1/10; sự vắng bóng của các bạn bán báo dạo ở đây cũng cho thấy dấu hiệu báo in đã nhường sân cho báo điện tử, cùng với đó là lượng smartphone với các ứng dụng đa dạng đã tràn ngập trên thị trường! Quảng cáo online thậm chí còn chen chân vào cả các trang blog thể thao và nhiều trang khiêu dâm.

Nhưng người viết không tin rằng báo in sẽ "chết". Nó vẫn sẽ tiếp tục trong nhiều thập niên nữa, nhưng đòi hỏi các tòa soạn phải thay đổi cách chọn lựa bài vở theo hướng chuyên sâu hơn để đáp ứng nhu cầu đọc của diện ít bạn đọc khó tính và trí thức.

Điều cốt lõi là dù thế nào thì để tiếp tục phát triển trong thời đại truyền thông hiện nay, các phóng viên báo chí cũng cần trang bị thêm nhiều kỹ năng mới do kỹ thuật số mang lại. Các nhà báo phải tự làm mới mình bằng công nghệ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.