Theo nghiên cứu mới công bố của công ty Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt gần 300.000 tỉ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng TMĐT để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 20%/năm ở lĩnh vực này và hiện được xếp vào nhóm 5 quốc gia phát triển nhanh hàng đầu thế giới.
Kết quả nghiên cứu 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại Việt Nam cho thấy, 86% đơn vị được khảo sát cho rằng họ sẽ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có TMĐT. Bên cạnh đó, MSMEs địa phương cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.
"Năm 2022, doanh thu xuất khẩu TMĐT của Việt Nam đạt 80.700 tỉ đồng", ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling (AGS) Việt Nam cho biết. Lãnh đạo AGS nhận định 2022 là một năm khởi sắc của xuất khẩu trực tuyến Việt Nam tính riêng trên nền tảng Amazon. Trong đó, có 10 triệu sản phẩm Made-in-Vietnam được bán cho khách hàng sử dụng sàn TMĐT này trên toàn cầu, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) Việt tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Amazon Global Selling cam kết góp phần nâng cao sự phát triển của các doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách trang bị hành trang để họ tiếp nhận những thay đổi và vươn lên tầm cao mới trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay", đại diện AGS nói.
Chia sẻ tại Hội nghị TMĐT xuyên biên giới "Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu" do Cục TMĐT và Kinh tế số (iDEA - Bộ Công thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling tổ chức sáng 7.6 tại Hà Nội, bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng iDEA nhận định TMĐT xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, TMĐT là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ.
"Chúng tôi đã và đang đa dạng hóa các chương trình để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hoàn thiện chính sách xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu rào cản mà SMB gặp phải, đồng thời cung cấp tài nguyên giáo dục và các chương trình đào tạo để giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh quốc tế và đạt thành công trên quy mô toàn cầu", bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Bình luận (0)