Nhà báo Mỹ ở miền Bắc Việt Nam: Kẻ bị ruồng bỏ

18/09/2012 03:25 GMT+7

Chris trở lại nước Mỹ và mang theo câu chuyện về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với những điều ông đã chứng kiến, những sự thật mà ông nghĩ rằng người dân Mỹ cần được biết. Ông là một trong những nhà báo đầu tiên của chính nước Mỹ khẳng định nước này nên chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam trước khi chuốc lấy thất bại.

Thế nhưng, đi ngược lại dư luận (do chính quyền dẫn dắt) không phải là chuyện dễ dàng, cho dù là ở một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ.

Ngay sau khi về nước, Chris đã tổ chức một cuộc họp báo và được các báo, đài lớn của Mỹ như ABS, CBS, NBC, PBS phỏng vấn. Nhưng cuối cùng tất cả những cuộc phỏng vấn đó đều bị gác lại, không được đăng tải hay phát sóng. Thời điểm đó hầu hết báo chí Mỹ đều tạo cho người đọc ấn tượng rằng Việt Nam sắp bị đánh bại, chính vì vậy những gì mà Chris nói ra đã khiến cho giới truyền thông và cả công chúng “giận dữ”. Một lãnh đạo cấp cao của kênh phát thanh WNDT gọi Chris là “khối thuốc nổ chính trị”.

Nhà báo Mỹ ở miền Bắc Việt Nam: Kẻ bị ruồng bỏ
Một thành viên trong đoàn Hoa Kỳ thăm Việt Nam trong chuyến đi năm 1965 

Tờ tạp chí ảnh nổi tiếng LIFE trong số ngày 1.10.1965 đã cho đăng hai trang phóng sự ảnh về miền Bắc Việt Nam của Chris nhưng cắt bỏ toàn bộ các hình ảnh về những mục tiêu dân sự bị ném bom và đưa vào những lời bình luận đầy cạnh khóe. Theo LIFE, cuộc viếng thăm miền Bắc Việt Nam của Chris chẳng qua là một sự “tuyên truyền có định hướng” và Chris chỉ được xem những gì mà những người cộng sản muốn.

“Tôi nhận ra rằng chính tôi phải kể lại câu chuyện của mình và tự tôi phải đưa câu chuyện ra với công chúng”, Chris kể lại. Sau đó ông bắt tay vào viết một loạt bài cho các báo và tạp chí, Chris cũng bán những bức ảnh về Việt Nam cho các tạp chí. Những gì mà Chris kể lại, với ông chẳng qua chỉ là những điều mắt thấy tai nghe mà ông hiểu rằng đang thực sự xảy ra ở Việt Nam và hoàn toàn khác với những gì các tờ báo và kênh truyền hình chủ đạo của Mỹ vẫn ngày đêm đăng tải. “Chính quyền luôn nói rằng quân đội Hoa Kỳ chỉ tấn công và triệt phá các mục tiêu quân sự nhưng tại Việt Nam tôi đã thấy nhiều trường học, bệnh viện, nhà máy cũng bị đánh phá tan nát”.

Thế nhưng mọi việc không dễ dàng. Hầu hết các bài viết hay phóng sự ảnh của ông chỉ có thể xuất hiện ở những tờ báo nhỏ, ít người đọc và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Chris cũng đi nhiều nơi để nói chuyện về tình hình Việt Nam, song nhiều lần ông bị phản đối, thậm chí đe dọa. “Có lần khi tôi nói chuyện tại một trường đại học ở Plattsburgh, họ đã phải đưa tôi thoát ra ngoài bằng cửa sau do đám đông trở nên giận dữ và bắt đầu la ó dữ dội khi tôi nói rằng nước Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến này. Tại Denver, nhiều người đã phát điên, họ tràn lên bục nói chuyện làm tôi phải “phi thân” qua cửa sổ để trốn vào xe... Người Mỹ lúc đó nói chung chưa sẵn sàng để nghe những gì mà tôi cần phải nói, thực sự là họ chưa sẵn sàng. Có lẽ họ quá lạc quan, còn tôi thì quá bi quan...”, Chris nói. Mãi tới gần chục năm sau, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn cuối cùng, những tờ báo lớn của Mỹ mới tìm lại Chris và đăng tải câu chuyện của ông về Việt Nam một cách vớt vát.

Chris cũng là một trong những người đầu tiên viết về những tác hại của chất độc da cam dựa trên lời chứng của các cựu binh Mỹ bị bệnh do chất độc này. Nhưng không ai tin vào lời ông. “Chất da cam chẳng gây thương tích cho ai cả, nó hoàn toàn bình thường thôi, người ta đã nói với tôi như vậy. Sau này tôi cũng đã nói chuyện với nhiều cựu phi công từng tham gia rải chất độc da cam ở Việt Nam. Họ đã rất ân hận vì nghĩ rằng đó là một tội ác. Điều đó thực sự ám ảnh đối với họ. Có thể các bạn không biết nhưng nhiều người ở thế hệ của tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn với những gì mà họ đã gây ra ở Việt Nam”, Chris cho biết.

Nhưng giờ đây Chris thấy hạnh phúc vì những nỗ lực mà Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của chiến tranh. “Tôi hy vọng nước Mỹ sẽ làm được điều gì đó có ích ở đây. Hy vọng sự giúp đỡ ấy sẽ hàn gắn những trái tim của người Việt Nam đã có những mất mát trong chiến tranh, nhất là những người lớn tuổi. Tôi nghĩ nhiều người ở thế hệ cũ hẳn vẫn còn căm ghét những gì mà người Mỹ đã gây ra ở đất nước các bạn”, Chris tâm sự.

Ấn tượng của Chris về Việt Nam không chỉ là một cuộc chiến tranh với những bom đạn và đau thương. Như ông đã miêu tả lại trong bài viết trên sau đó trên tờ I.F.Stone’s Weekly về những chân dung đầy xúc cảm của cuộc sống Việt Nam thời chiến: “...Tôi đã chờ đợi sẽ được nhìn thấy những cay đắng, căm hờn của những người Việt Nam. Thế nhưng đáng ngạc nhiên là sự căm hờn ấy dường như không nhiều lắm và hầu hết là dồn vào Taylor, McNamara, Rusk và Johnson (1). Và Johnson là người phải hầu như phải hứng hết. Mỗi khi có máy bay xuất hiện, lũ trẻ lại chạy khắp đường và hét lên: “Thằng Giôn đang đến! Thằng Giôn đang đến!”. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm nên hầu hết mọi người đều gọi tắt Johnson là Giôn. Nhiều bức ảnh về những đứa trẻ bị thương (do bom đạn) được báo chí chú thích là “quà của L.B.J”.

Một buổi chiều chúng tôi ngồi trên một đồi thông ở Thanh Hóa với một nhóm thanh niên, họ hỏi chúng tôi về phong trào phản chiến ở Mỹ. Và họ có những hiểu biết chi tiết đáng ngạc nhiên về những phong trào ấy. Hầu như ai cũng biết Alice Herz, người phụ nữ đã tự thiêu, giống như các nhà sư, để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ đánh giá rất cao sức mạnh của phong trào phản chiến.

Chúng tôi dành cả buổi chiều với họ và đêm đó chúng tôi ngồi dưới trăng cùng nhau. Chúng tôi nói về nhiều thứ, hầu hết là có liên quan đến chiến tranh. Tôi hỏi một cô gái rằng cô tìm kiếm điều gì ở một người đàn ông và cô ấy trả lời đó là “tinh thần chiến đấu”. Họ nắm tay chúng tôi và hát những bài hát về tình yêu. “Anh thấy đấy, những cô gái của chúng tôi đầy chất lính nhưng khi có âm nhạc thì họ thích những bài ca lãng mạn hơn”, Hiếu nói vui.

 Tôi không thể nào quên được khoảnh khắc đó...”.

Ng.Phong

Chú thích: (1) Tức Maxwell D.Taylor, Đại sứ Mỹ tại VN từ 1964 đến 1965, Taylor cũng là người soạn thảo kế hoạch bình định miền Nam VN, còn gọi là kế hoạch Staley-Taylor; Robert S.McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nhiệm kỳ 1961-1963 và 1963-1968, được coi là "kiến trúc sư trưởng" của chiến tranh VN; David D.Rusk, Ngoại trưởng Mỹ từ 1961-1969 dưới thời Tổng thống John F.Kennedy và Lyndon B.Johnson; Lyndon Baines Johnson, tổng thống thứ 36 của Mỹ, từ 1963-1969, thường được gọi tắt là LBJ.

>> Nhà báo Mỹ giữa “sào huyệt” cộng sản
>> Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của hai nữ nhà báo Mỹ với gia đình
>> Nóng bỏng sau vụ xử 2 nhà báo Mỹ
>> CHDCND Triều Tiên trừng phạt nhà báo Mỹ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.