Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, giảng viên Khoa Xây dựng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận nguyên nhân và chia sẻ "bí kíp" xử lý khi nhiều ngôi nhà ở TP.HCM thường xuyên bị ngập nước.
Theo ông Giang, TP.HCM nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thường xuyên gặp phải các cơn mưa lớn với cường độ cao, đặc biệt vào mùa mưa cộng với triều cường. Những cơn mưa này vượt quá khả năng thấm hút của mặt đất và hệ thống thoát nước hiện có không còn đủ khả năng để xử lý, dẫn đến ngập nước ở những khu vực thấp trũng.
Trong đó, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, cũ kỹ, không được nâng cấp kịp thời để đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị và lượng mưa tăng lên. Việc xây dựng các công trình cao tầng, khu dân cư mới mà không nâng cấp hạ tầng thoát nước tương ứng, dẫn đến tình trạng quá tải và ngập úng. Chưa kể, việc xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm trên các kênh rạch làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên. Việc khai thác nước ngầm quá mức làm cho nền đất bị sụt lún, hạ thấp địa hình, khiến nước dễ dàng tràn vào khi mưa lớn hoặc triều cường.
Theo TS Giang, đối với những căn nhà bị ngập nước mỗi khi mưa hoặc triều cường trong nhiều năm thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ với kết cấu tổng thể của công trình. Cụ thể, nền móng căn nhà sẽ bị biến dạng quá mức, suy yếu dẫn đến lún, nghiêng, hoặc có thể sụp đổ. Nước ngập có thể thấm vào các vật liệu xây dựng như bê tông, thép, gây ra ăn mòn và giảm độ bền. Sự thay đổi liên tục về độ ẩm có thể làm tường và sàn bị nứt, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn cấu trúc của căn nhà. Ngoài ra, môi trường ẩm ướt thuận lợi cho mối mọt và nấm mốc phát triển, gây hư hại cho các vật liệu gỗ và các phần khác của công trình.
Trong khi đó, nguy cơ đối với chi tiết công trình như: hư hại hệ thống điện, có thể gây chập điện, hỏng hóc thiết bị điện và làm tăng nguy cơ cháy nổ; hư hại hệ thống ống nước gây rò rỉ hoặc tắc nghẽn; hỏng nội thất và thiết bị trong nhà như tủ, bàn ghế, đồ điện tử.
Để khắc phục tình trạng nhà bị xuống cấp do ngập nước, TS Giang cho rằng cần nâng cấp và cải thiện hệ thống thoát nước, có như vậy mới đảm bảo hệ thống có khả năng chịu tải cao hơn, giúp thoát nước nhanh chóng và hiệu quả. Thiết lập các rãnh thoát nước và hệ thống ống dẫn nước xung quanh nhà để giảm thiểu nước tiếp xúc với nền móng và tường nhà.
"Áp dụng các loại vật liệu chống thấm chất lượng cao cho nền móng, tường và mái nhà. Sử dụng các kỹ thuật chống thấm hiện đại như phun chất chống thấm, lớp màng chống thấm, hoặc xây dựng các lớp bảo vệ bổ sung cho các phần dễ bị thấm nước của công trình", ông Giang nói.
TS Giang cho biết thêm, thời gian qua, nhiều ngôi nhà ở TP.HCM đã áp dụng các biện pháp chống ngập khá hiệu quả như: sử dụng máy bơm để rút nước khỏi nhà; tạo hồ điều tiết nước mưa bên trong nhà để giảm áp lực lên hệ thống thoát nước; nâng cao nền nhà là một trong những giải pháp tối ưu nhất với người dân ở thành phố.
Bên cạnh những ưu điểm của việc nâng nền nhà để tránh ngập thì vẫn còn một số nhược điểm mà người dân cần biết. Đó là nâng nền là một giải pháp tốn kém, bao gồm chi phí vật liệu, nhân công, thi công và xin giấy phép xây dựng. Làm thay đổi diện mạo, khiến ngôi nhà trở nên cao hơn so với các nhà xung quanh, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nền nhà cao có thể gây khó khăn cho người già, trẻ em và người khuyết tật khi đi lại. Nâng nền nhà không đúng kỹ thuật hoặc trên nền đất yếu có thể tăng nguy cơ sụt lún và ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước của nhà và khu vực.
Ngoài ra còn có một số ảnh hưởng nhất định gồm sụt lún nền móng và kết cấu nhà khi nước ngấm vào có thể làm yếu nền đất. Nước ngấm vào tường và sàn nhà (vị trí sàn trệt, hoặc sàn tiếp xúc với nền đất) có thể gây ra các vết nứt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và độ bền vững của kết cấu nhà. Bên cạnh đó là nấm mốc, rêu và gỉ sét các kết cấu thép dẫn đến giảm độ bền và nguy cơ sập đổ ngôi nhà khi bị ngập nước trong thời gian dài.
Bình luận (0)