Ngày 21.5 vừa qua, một cơn mưa không quá lớn nhưng hẻm 366 đường Chu Văn An này vẫn bị ngập cục bộ, rác thải bủa vây. Nhiều người dân sống ở hẻm phải ra lội nước, móc rác ở miệng cống để khơi thông dòng chảy. Đồng thời, nhiều nhà dân ở điểm ngập đồng loạt dựng rào bằng cách lắp các vách ngăn kim loại để không cho nước tràn vào nhà.
Nước ngập hơn cả mét
Lần này là một trong "hàng ngàn" lần mà ông Hứa Thành Mai (người dân ở hẻm 366) từng trải qua hơn 30 năm sinh sống tại đây. Ông Mai cho biết khi xưa, trước nhà ông Mai là con rạch nhỏ chạy thẳng ra ngoài. Sau khi làm đường con rạch được lấp lại và xây cống thoát nước. Nhiều lần mưa, hẻm chỉ ngập nhẹ và nước rút hết sau đó vài phút.
Hết mưa vẫn ngập lênh láng, người dân đành sống chung cảnh nước bao quanh nhà
Tuy nhiên, đến khoảng năm 2010, đường Chu Văn An, Phan Chu Trinh được nâng cấp sửa chữa thì con hẻm lại bị ngập nghiêm trọng. Mỗi năm mực nước cứ thi nhau tăng dần mà không có dấu hiệu giảm. Trong những lần đó, hễ mưa lớn, căn nhà của ông Mai lại bị nước tràn vào. Nước ngập ở đây không ít, lên đến hơn 1m hoặc có khi cao hơn đầu chiếc xe máy. Chưa kể, trong khi mưa nước từ khắp nơi tụ về kèm theo rác làm tắc nghẽn dòng chảy. Thế là nhiều năm qua, đến mùa mưa, gia đình ông Mai lại sống chung với cảnh nước ngập.
Ông Mai cho biết, để chống ngập, căn nhà đã được nâng nền rất nhiều lần. "Bởi hễ nâng đến đâu thì vài năm sau lại ngập đến đấy, như là Sơn Tinh với Thủy Tinh vậy. Ngoài nâng cao nền, tôi phải gia cố, xây như đúc lầu chắc chắn để ngăn tình trạng thấm và xì nước từ bên dưới lên", ông Mai nói và cho biết đến hiện tại, chiều cao nền nhà so với mặt hẻm đã cách nhau 1,5m.
Dù đã nâng nền nhưng nguy cơ nước tràn vào nhà vẫn chực chờ. Đành "bó tay", ông Mai cũng như người dân ở hẻm không còn cách nào khác ngoài sống chung với ngập. "Đã coi như lũ thì sống chung với lũ. Đã hơn 30 năm qua tôi đã quen rồi. Giờ thấy nước ngập tôi cũng không có cảm xúc gì", ông nói.
Do đó, để vượt khó, ông chọn nhiều giải pháp hạn chế thiệt hại như kê các vật dụng, đặt lại các ổ cắm điện lên cao khoảng 1,2m so với nền nhà. Đặc biệt, ngoài cửa chính, ông còn xây thêm lớp tường bảo vệ, lắp đặt thêm vách với mục đích ngăn nước và rác.
Cả hẻm lắp vách ngăn nước ngập
Ông Mai cho biết đã lắp vách ngăn nước này cách đây gần 10 năm. Ông cũng không nhớ rõ ở hẻm này nhà nào lắp đặt vách ngăn này đầu tiên nhưng chỉ biết vài chục căn nhà ở đây đều có nó mỗi khi nước ngập.
Qua đó, từ khảo sát thực tế, trước cửa nhà hàng chục hộ dân ở đây đều có vách ngăn và thiết kế tương tự. Tùy theo kích thước mà vách ngăn của mỗi nhà sẽ có diện tích khác nhau. Nhiệm vụ của vách này sẽ ngăn nước và rác tràn vào nhà mỗi khi hẻm bị ngập. Từ hiệu quả mang lại mà người dân trong hẻm 366 đã áp dụng để sống chung với ngập trong thời gian dài.
Đang hì hục sửa lại thành "vách ngăn nước" trước nhà, anh Nguyễn Văn Hoàng (người dân ở hẻm 366), cho biết phải thay khung sắt vì đã mục do nước ngập. Trung bình khoảng 2 - 3 năm anh phải thay và sửa lại một lần. Và chục năm nay có khoảng vài lần anh làm như vậy.
Anh Hoàng cho biết, vách ngăn nước này do anh tự thiết kế, với bộ khung bằng các thanh sắt, bọc bên ngoài là tấm thép mỏng, bên trong là lớp cao su bao quanh. Vách ngăn nước được đục 6 lỗ để bắt bù lon, ốc vít. Hễ mưa xuống vách ngăn này sẽ được lắp vào khung trống của bức tường và siết ốc vít lại một cách chắc chắn. Nó giống như cánh cửa thứ 2 của ngôi nhà.
Riêng vách ngăn nước của nhà anh Hoàng có chiều cao 90cm, ngang 1,2 m. Nếu lắp vào thì tổng "công trình chống ngập tại gia" đạt chiều cao khoảng 1,5m so với mặt đường hẻm. Đây cũng là lần nâng vách lên cao hơn để chống ngập. "Trước kia nước lên chỉ ở mức 60cm thôi. Sau này thì nước lên cao hơn rồi tràn vào, giờ tôi phải làm lại và cao hơn. Có như vậy mới mong chống được ngập ở đây", anh Hoàng chia sẻ.
Tuy nhiên, vách ngăn nước này với anh Hoàng cũng có nhiều bất lợi vì mất khoảng 15 phút cho lần lắp đặt và tháo dỡ để đi ra, vào. Chưa kể anh Hoàng phải tự bỏ tiền "đầu tư" cho vách ngăn này lên đến khoảng 800.000 đồng, chưa tính gạch, xi măng và công xây tường. Để chống ngập hiệu quả mỗi nhà phải lắp trước khi mưa, đồng thời nếu người trong nhà ra ngoài đều phải lắp lại mới dám đi. "Ở đây, có nhiều người khi ra ngoài quên lắp vách thì mưa xuống nhà lại bị ngập", anh Hoàng kể lại.
Tình nguyện lội nước móc rác
Theo nhiều người dân tại hẻm, ngoài mưa lớn, nước tụ về, miệng cống nhỏ thì rác trôi dạt về đây cũng là nguyên nhân chính của việc ngập sâu. Do đó, cứ mỗi lần hẻm ngập anh Hoàng cùng một số người dân tình nguyện lội đến miệng cống để móc rác để thoát nước.
Anh Hoàng cũng sắm sửa một thanh sắt dài để ở nhà dùng để móc rác từ các miệng cống. "Nếu tôi có ở nhà thì tôi sẽ xuống móc rác, còn không thì người dân ở đây đại diện. Nhưng nói chung ở xóm này tôi xuống móc rác nhiều hơn", anh Hoàng cho biết.
Còn bà Trần Thị Thương (hộ dân sống ở hẻm 366), cho biết nước ngập ở đây như điệp khúc vào mùa mưa. Trung bình tháng 7, 8, 9 là thời điểm cả xóm mất ngủ nhất. Hễ mưa nửa đêm là cả xóm đều sáng đèn. "Từ 1, 2 giờ hoặc có khi 3, 4 giờ nếu có mưa là cả xóm không ai ngủ được. Ai cũng thức dậy, bật đèn và che chắn vì nhiều khi mưa ngập nhanh là không kịp trở tay. Riêng tôi thì quăng đồ đạc lên cao, lắp vách lại", bà Thương nói.
Dân khổ sở chuyện cứ mưa là ngập, thêm sốt ruột dự án hàng ngàn tỉ vẫn ì ạch
Còn nếu ngập vào ban ngày, bà cũng nhiều lần lội nước để móc rác khi hẻm ngập. Tuy vậy, vài lần ngập, mực nước có khi lên đến tới ngực của bà Thương, do vậy, bà cũng không thể nào cúi xuống để móc rác khỏi miệng cống.
Cũng như ông Mai, anh Hoàng hay bà Thương và hàng chục hộ dân ở đây đã trải qua nhiều năm sống trong cảnh nước ngập triền miên mỗi khi đến mùa mưa. Những người dân cho biết đã nhiều lần kiến nghị về tình hình ngập ở hẻm đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có sự thay đổi. Người dân rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp, cách thức hỗ trợ để hẻm 366 đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) thoát khỏi cảnh nước ngập trong nhiều năm qua.
Bình luận (0)