Trước thiên tai khắc nghiệt, việc chuyển đổi tư duy từ khắc phục thiệt hại sang nâng cao khả năng chống chọi và thích ứng là hoàn toàn cần thiết. Hiệu quả của dự án nhà chống lũ do chị Jang Kều (tên thật là Phạm Thị Hương Giang) sáng lập phần nào đã minh chứng cho điều này.
10 nghìn đồng cũng có thể xây nhà chống lũ
Tôn chỉ lớn nhất mà chị Jang Kều đặt ra cho dự án này là “chung tay”. Sự kết nối này không chỉ giúp cho người thụ hưởng cảm thấy tự tin, yêu quý ngôi nhà của mình mà còn đánh giá đúng giá trị của nguồn lực tài chính lẫn năng lực chuyên môn của bên hỗ trợ.
Không ít người băn khoăn rằng: “Khi thiên tai đi qua, người dân còn gì để mất nữa đâu huống chi là tìm nguồn vốn để đối ứng làm nhà”. Nhưng cách làm của dự án này mang lại hiệu quả rất lớn trong việc khơi gợi cho người dân sự tự chủ, sáng tạo và ý thức việc bảo vệ tài sản cá nhân.
Cho đến nay, chị Jang Kều vẫn nhớ như in câu chuyện về một trong những trường hợp đầu tiên nhận sự hỗ trợ của dự án. Đó là bà cụ nắm trong tay 10 nghìn đồng sống trong căn nhà rêu xanh nghiêng 45 độ. Khi bà chia sẻ bà có 3 người con gái, dự án Nhà chống lũ đã đề xuất mỗi người con gửi về 6 triệu xây nhà cho mẹ. Cộng với số tiền bán gỗ từ ngôi nhà cũ được 26 triệu, dự án hỗ trợ thêm 50% số tiền để hoàn thiện căn nhà là 25 triệu.
|
Qua đó, có rất nhiều giải pháp được đưa ra để thực hiện mô hình này như bán trâu, bán bò, đổi công xây dựng, vay chương trình không lãi suất và tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được để tự chủ phần đối ứng.
Anh Đinh Bá Vinh, kiến trúc sư trưởng của dự án cho biết: “Trong thời gian mưa lũ diễn ra, đội ngũ Nhà chống lũ vẫn thường xuyên liên lạc với chính quyền địa phương và được biết người dân vùng Lệ Thủy, Ba Đồn, Tân Hóa, Minh Hóa có thể tự chủ động ứng phó với thiên tai, giữ an toàn về người và của".
|
Cải tiến để sống chung với lũ
Khởi động từ năm 2013, tính tới nay dự án Nhà chống lũ đã xây dựng được 795 căn nhà an toàn đơn lẻ khắp Việt Nam. Bên cạnh đó, 120 căn nhà tại hai ngôi làng ở Quảng Nam dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
|
Sau cơn lũ lịch sử vừa qua ở miền Trung, Nhà chống lũ sẽ đến Quảng Trị để trao đổi với từng hộ về khả năng đối ứng và chốt phương án xây dựng. Đồng thời lên kế hoạch khảo sát, thực hiện 60 căn nhà tại Quảng Bình, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Mục tiêu tiếp theo là khu vực Nam Trung Bộ, miền Tây và vùng núi phía Bắc năm 2022.
Dự án Nhà chống lũ bao gồm nhiều mô hình, trong đó 3 loại chính là nhà kê nền, nhà có gác và nhà phao. Tùy thuộc vào đặc điểm địa hình và thời tiết ở mỗi khu vực mà dự án thực hiện mô hình nhà phù hợp. Chi phí hoàn thiện dao động khoảng 80 - 180 triệu đồng/nhà, các hộ dân sẽ đối ứng tối thiểu 50% phần kinh phí.
Anh Cao Hải Nam (35 tuổi, xã Tân Hóa, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) được dự án hỗ trợ xây nhà phao biệt lập giữa năm 2017. “Điểm đặc biệt của nhà phao là nước dâng bao nhiêu thì nhà nổi lên bấy nhiêu nên không lo gì hết. Các hộ dân sở hữu nhà phao hoàn toàn có thể chủ động trong vấn đề sống chung với lũ. Tuy nhiên, lũ năm nay lớn vượt ngoài sức tưởng tượng nên cần nhờ tới công tác tu sửa khi nước rút”, anh kể.
Ngôi nhà của anh Nam vỏn vẹn hơn 10m2. Tới đợt lũ thì tập trung các vật dụng sinh hoạt tại một chỗ nên di chuyển có chút vướng chân. Anh cho biết nhà phao được hoàn thiện với mức phí là 30 triệu đồng, trong đó có 15 triệu đồng nhận hỗ trợ từ dự án. Số tiền còn lại, gia đình anh phải bán gỗ thừa, lúa ngô có sẵn và vay mượn của người quen rồi sau đó trả dần.
|
Mô hình nhà phao ban đầu còn khá đơn sơ với khung gỗ, sàn chữ nhật, vách phủ bằng ván nẹp cố định bằng nẹp kim loại, lấy thùng phuy làm phao và số lượng thì tùy thuộc vào nhu cầu của từng hộ.
|
Qua 2 lần cải tiến, khung nhà phao được nâng cấp lên thành thép, sàn vuông vức, dùng 4 mái để cân bằng, có cửa lùa, hành lang xung quanh, đồng thời sử dụng hệ thống neo 5 điểm có bệ bê tông đối trọng. Nhờ vậy mà kể từ khi đưa mô hình vào xây dựng tới nay, phần lớn các hộ dân đều đảm bảo được tính an toàn về người và của.
“Nhà chống lũ không phải là quá trình cho - nhận mà chính là sự chung tay để cùng thay đổi cuộc sống, thay đổi nhân sinh quan theo chiều hướng tích cực hơn. Do đó, Quỹ Sống có tên là Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững chứ không được xếp vào loại từ thiện”, chị Jang nhấn mạnh.
Có được một ngôi nhà vững chãi và an toàn không thôi là chưa đủ mà mục đích cao cả nhất dự án hướng tới chính là việc người dân cảm thấy thật sự hạnh phúc trong chính căn nhà của mình.
Bình luận (0)