Chính sách “mở van” tín dụng một phần chỉ như một liệu pháp tâm lý giúp các doanh nghiệp vực dậy tinh thần, chứ chưa kích thích được tính thanh khoản.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra công văn “cởi trói” một phần cho bất động sản (BĐS), thị trường địa ốc TPHCM gần như không có chuyển biến. Trong khi đó, thị trường vùng ven đang được hưởng lợi từ chính sách này.
Liều thuốc chưa đủ mạnh
Theo thông tin từ các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP.HCM, từ khi chính sách mở cửa tín dụng trở lại của NHNN đối với 4 nhóm đối tượng trong lĩnh vực BĐS ban hành ngày 14-11 đến nay, hầu như chưa có chuyển biến gì. Lãnh đạo một số công ty BĐS còn cho rằng chính sách trên chỉ có tác dụng về mặt tinh thần.
|
Sàn giao dịch BĐS Hưng Gia Việt cho biết dù đã có hiệu lực được 5 ngày nhưng giao dịch vẫn không có gì thay đổi, khách hàng đến sàn vẫn như ngày thường. Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Hưng Gia Việt, chính sách trên thật ra chỉ là một liều thuốc tinh thần. Tuy nhiên, liều thuốc đã không đủ mạnh để có thể chữa khỏi căn bệnh trầm kha của thị trường BĐS bấy lâu nay.
Chính sách này chỉ như một liệu pháp tâm lý, giúp các doanh nghiệp vực dậy tinh thần, hào hứng hơn, chứ chưa kích thích được tính thanh khoản. Bà Hương kỳ vọng khi khách hàng quay lại, thị trường sẽ sôi động hơn và khi đó, các doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn thu để tiếp tục triển khai dự án.
Lãnh đạo sàn giao dịch địa ốc ACBR cho rằng chính sách trên không có tác dụng đối với thị trường địa ốc TP.HCM. Theo vị này, điều mấu chốt của thị trường địa ốc TP.HCM là tính thanh khoản vẫn còn quá kém. Muốn kéo lên, lãi suất phải hạ xuống khoảng 10% - 12%/năm. Khi lãi suất hạ thì người dân mới dám vay tiền mua nhà. “Với lãi suất hiện nay từ 20% - 23%/năm thì có cho vay, người dân cũng không dám mạo hiểm” - vị này tính toán.
Hết bán tháo nhà đất? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách mới của NHNN sẽ ngăn được đà “thủng đáy” của thị trường BĐS. Khi địa ốc được bơm tiền cũng đồng nghĩa với việc giảm áp lực lãi vay, trả nợ lên các chủ đầu tư và các khách hàng đã vay tiền mua nhà trước đó, giúp cho xu hướng bán tháo nhà đất sẽ được hạn chế. Như vậy, cơ hội vực dậy thị trường BĐS đã bắt đầu nhen nhóm trở lại. |
Các doanh nghiệp khác cũng kiến nghị nên cho những dự án đang hoàn thành khoảng 50% - 70% khối lượng công việc vay tiền để tiếp tục triển khai dự án.
Vùng ven nhộn nhịp
Trong khi thị trường BĐS TP.HCM vẫn đứng im sau chính sách mở “van” tín dụng của NHNN, tại các dự án ở vùng ven như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai lại đang có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại.
Theo thông tin từ sàn giao dịch BĐS Tấc Đất Tấc Vàng, hiện công ty này đang triển khai mở bán dự án Green River City (Bình Dương), với mức giá bình quân khoảng 2 triệu đồng/m2.
Từ ngày 14 đến 19-11, đã có gần 200 khách hàng đăng ký đặt cọc mua nền đất tại dự án. Dự kiến, trong tuần sau, sẽ có khoảng 250 khách hàng xuống dự án tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo công ty này, đây là tín hiệu khả quan vì số lượng khách hàng đến công ty và giao dịch thành công đã tăng gấp đôi so với những ngày trước đó.
Tại sàn giao dịch của Công ty Hoàng Anh Sài Gòn đang mở bán dự án Ngũ Tượng (Bình Dương), số lượng khách hàng đến tham quan cũng khá đông. Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, mức giá rẻ khoảng 1,8 triệu đồng/m2 cộng với thông tin mở “van” tín dụng đã kích thích khách hàng đến công ty tìm hiểu dự án.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, thị trường BĐS khu vực vùng ven khởi sắc là bởi giá đất nền ở đây khá rẻ, bình quân khoảng 200-300 triệu đồng/nền. Số tiền này hầu như khách hàng không phải vay ngân hàng mà là tích lũy. Nay ngân hàng ra chính sách trên, nghĩa là Nhà nước đã bắt đầu để mắt đến thị trường BĐS, khi đó thị trường sẽ có nhiều cơ hội phát triển trở lại và cơ hội BĐS “ấm” lên là có cơ sở. “Lâu nay, nhiều khách hàng chưa muốn bỏ tiền vào đất bởi tâm lý còn hoang mang trước chính sách siết tín dụng nhà đất. Hiện chính sách đã mở ra, tâm lý được cởi trói thì người dân mạnh dạn hơn trong việc bỏ tiền vào đất nền” - ông Tuấn nhận xét.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)