Các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM thu hút tổng vốn đầu tư 12,5 tỉ USD
Cuối năm 1991, khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước được thành lập tại TP.HCM. Theo quy hoạch, TP.HCM có 22 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 5.914 ha. Đến nay, TP.HCM có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 4.546 ha, đạt 77% tổng diện tích đất quy hoạch. Trong đó 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích đất đã cho thuê đạt hơn 80%.
Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM thu hút hơn 1.690 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 12,5 tỉ USD, giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm đạt 7 tỉ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM; trung bình hằng năm nộp ngân sách hơn 22.000 tỉ đồng, chiếm 6% thu ngân sách TP.HCM; giải quyết việc làm cho hơn 258.000 lao động.
Nhà đầu tư đánh giá cao
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn là cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ".
Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên tại Việt Nam cùng với việc ra đời và phát triển của khu chế xuất Tân Thuận và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM.
Lần đầu tiên trong phạm vi cả nước, Thủ tướng giao cho cơ quan quản lý đặc thù ở địa phương (là HEPZA) con dấu quốc huy và chỉ đạo các bộ ủy quyền cho HEPZA để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh.
Cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ" sau đó được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước. Ban quản lý được trao quyền nhiều hơn, giải quyết nhanh hồ sơ, giảm bớt sự đi lại, chi phí và thời gian cho việc thực hiện các thủ tục hành chính của nhà đầu tư.
Đến nay, HEPZA được phân cấp, ủy quyền giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính trong khu chế xuất, khu công nghiệp trên các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, xây dựng, môi trường, lao động.
Đơn vị thực hiện hiệu quả cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ", góp phần cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp nên được các nhà đầu tư đánh giá cao, chứng minh trong thực tiễn một chủ trương phù hợp của mô hình quản lý mới này.
Doanh nghiệp hưởng lợi từ sự phân cấp mạnh mẽ
Theo Nghị định số 35/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, HEPZA được phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực:
Về quản lý đầu tư, HEPZA có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Về quản lý quy hoạch, HEPZA có nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi khu chế xuất, khu công nghiệp đã được phân cấp về theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Hiện HEPZA cũng đã trình UBND TP.HCM phân cấp đối với nhiệm vụ thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Về quản lý xây dựng, cơ quan này được thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính từ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng công trình, cho đến kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Về quản lý thương mại, Bộ Công thương ủy quyền cho HEPZA cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi mẫu D cho các dự án trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Về lĩnh vực lao động, UBND TP.HCM đã giao Sở LĐ-TB-XH tham mưu đề xuất chuyển thẩm quyền theo dõi, quản lý trong lĩnh vực người lao động nước ngoài thuộc Sở LĐ-TB-XH về cho HEPZA.
Về lĩnh vực môi trường, Nghị quyết 98/2023 đã phân cấp cho HEPZA thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM; cấp mới, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, TP.Thủ Đức và các quận, huyện trong phạm vi khu chế xuất, khu công nghiệp.
Như vậy, trong lĩnh vực môi trường, HEPZA được phân cấp toàn bộ thủ tục pháp lý về thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Cần luật chuyên ngành về khu công nghiệp, khu chế xuất
HEPZA cho biết, cơ chế "một cửa tại chỗ" được Trung ương và TP.HCM quan tâm, đẩy mạnh, tạo môi trường hành chính lành mạnh, tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp.
So với các tỉnh, HEPZA được phân cấp, ủy quyền hầu hết nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với khu chế xuất, khu công nghiệp; là mô hình điểm để các địa phương tham khảo, học hỏi trong quá trình thực hiện cải cách hành chính.
Dù vậy, cơ quan này cũng đánh giá trong quá trình thực hiện cơ chế "một cửa tại chỗ" còn không ít các khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là vị trí pháp lý của HEPZA trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước chưa rõ ràng, đơn vị không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, quy định về khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ ở cấp nghị định, văn bản pháp luật chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý quy định tại Nghị định 35/2022.
Khi có sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành thì ban quản lý phải kiến nghị hoặc xin ủy quyền của các cơ quan chức năng, kể cả cấp sở ngành và cấp quận, huyện.
Các vướng mắc trên dẫn đến chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý khu công nghiệp tại mỗi tỉnh, thành phố khác nhau, phụ thuộc vào phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh.
Do vậy, HEPZA cho rằng về lâu dài, cần xây dựng luật về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho cải cách hành chính và phát triển bền vững các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trên phạm vi cả nước.
Bình luận (0)