Nhiều trăn trở để vượt qua chính mình
Cô giáo Lê Thị Thanh Huyền (51 tuổi) là một trong những giáo viên (GV) nhiều tuổi nhất của Trường tiểu học Tề Lỗ (Vĩnh Phúc). Ở độ tuổi sắp nghỉ hưu, việc ứng dụng công nghệ trong dạy học còn nhiều hạn chế, ấy vậy mà khi dịch bệnh xảy ra, phải chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, cô Huyền đã không ngại khó, ngại khổ, tìm hiểu các ứng dụng, làm chủ phương tiện dạy học.
Thầy cô giáo đã tiếp cận công nghệ, sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy |
đào ngọc thạch |
Cô Huyền chia sẻ: “Dịch bệnh tác động nhiều đến giáo dục, song đây cũng là cơ hội để mình thay đổi bản thân, thích ứng với hoàn cảnh. Trước kia, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học trực tuyến một cách thành thạo. Thế nhưng hiện nay giờ học trực tuyến do tôi đứng lớp đã đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, mặc dù vẫn còn một số khó khăn phát sinh nhưng vướng ở đâu chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và khắc phục để chuyển tải đầy đủ kiến thức cho học trò”.
Sinh ra và lớn lên tại Yên Bái, cô giáo Đỗ Thùy Quyên (36 tuổi) đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo trên vai trò là GV mầm non. Trong đó cô dành nhiều thời gian với trẻ em Trường mầm non xã Suối Giàng (H.Văn Chấn), một trong những khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, cô Quyên không để học trò ở nơi đặc biệt khó khăn này phải chấp nhận thua thiệt về cơ hội giao lưu, học hỏi với nền giáo dục hiện đại. Từ năm 2018, khi tham gia Cộng đồng GV sáng tạo VN của Microsoft, cô Quyên có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc. Cô đã ứng dụng công cụ Skype mở lớp học “xuyên biên giới”. Thông qua Skype, cô Quyên kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại VN và ở nước ngoài. Nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Quyên cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người xung quanh đã giúp những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin và mở lòng hơn với cô giáo. Để giờ đây, từ một GV người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành “người mẹ thứ hai” của những đứa trẻ dân tộc Mông.
Thầy cô ở TP.HCM tự làm sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị |
Cô Đỗ Thúy Hằng, Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), có rất nhiều thành tích và được khen thưởng trong công tác chuyên môn. Tuy nhiên, cô không chỉ bằng lòng với việc dạy thật tốt kiến thức cho học sinh (HS), dù chỉ riêng việc đó đã phải dành rất nhiều thời gian, tâm sức. Ấn tượng nhất là năm học này, khi HS được đến trường sau 2 năm dịch Covid-19, tâm lý và quá trình học tập của HS bị ảnh hưởng, cô Hằng không thể “ngồi nhìn” mà quyết định dành thời gian ngoài giờ lên lớp để tham gia nhiều lớp tập huấn về tư vấn hỗ trợ tâm lý cho HS. Cô đồng hành với HS trong thời gian đó và đã có những tìm tòi, nghiên cứu áp dụng nhiều cách thức để hỗ trợ tâm lý cho HS, giúp cả phụ huynh và HS vượt qua khó khăn. Sáng kiến kinh nghiệm mang tên “Giải pháp hỗ trợ tâm lý cho HS do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong vai trò GV chủ nhiệm” của cô Đỗ Thúy Hằng đã được Sở KH-CN TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận cấp TP năm 2022.
Người thầy cần sáng tạo để “tạo sáng” cho trò. Đổi mới, sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng nhưng chắc chắn là khởi đầu để cho kết quả dài lâu trong giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa (Hà Nội)
Cô Đào Thị Huyền Thương, GV tiểu học của Trường Olympia (Hà Nội), tuy dạy môn toán nhưng vẫn không ngần ngại kết nối để HS của mình tham gia một buổi thảo luận trực tuyến với các bạn HS đồng cấp ở Đài Loan về chủ đề bảo vệ môi trường. “Nếu cứ làm mãi một việc mà không mở rộng ra bên ngoài thì cũng không phát triển được. Trẻ con cũng vậy, sẽ học được nhiều hơn khi có cơ hội để giao lưu với bên ngoài”, cô Huyền Thương tâm sự.
Giáo viên đổi mới, sáng tạo trong từng tiết học |
đào ngọc thạch |
“Nghề cao quý lẽ nào lại dễ dàng, giản đơn”
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ đầy trăn trở: nếu mỗi chúng ta ngại đổi mới tức là đang góp phần làm suy yếu năng lực đi đến tương lai của HS. Đặc biệt, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang là thước đo sự cố gắng của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo. Người thầy cần sáng tạo để “tạo sáng” cho trò. Đổi mới, sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng nhưng chắc chắn là khởi đầu để cho kết quả dài lâu trong giáo dục.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), luôn là người đầu tiên “xắn tay” vào các việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Tuy ở vị trí người đứng đầu một trường, nhưng thầy Mạnh lại luôn đứng sau mọi người để khích lệ, hướng dẫn, hỗ trợ từ những việc nhỏ.
Cuối năm 2019, đầu năm 2020 là thời điểm Vĩnh Phúc trở thành “tâm dịch” Covid-19 đầu tiên của cả nước, một số trường học phải cho HS nghỉ. Thầy Mạnh đã có ý định tổ chức dạy trực tuyến trên hệ thống mang tên Eteachers.edu.vn do thầy sáng lập lúc đó. Mở 5 lớp học trực tuyến cho HS 5 khối của bậc tiểu học với suy nghĩ hỗ trợ miễn phí cho HS của Trường tiểu học Kim Ngọc - nơi thầy Mạnh làm hiệu trưởng khi ấy, nhưng không ngờ sau khi thông tin về lớp học, số HS đăng ký quá đông. Nhiều HS trường khác, ở địa phương khác cũng tham gia. Chỉ sau 1 tuần đã có vài ngàn HS tham gia học.
Cách dạy trực tuyến của thầy Mạnh hiện được lan tỏa cho GV tiểu học nhiều trường ở Vĩnh Phúc. Từ chỗ rụt rè, nhiều GV tự tin và hăng hái bắt nhịp với hình thức dạy học mới. Không chỉ dạy học ứng phó với dịch bệnh, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và dạy học, tăng cường dạy tiếng Anh cho HS và xây dựng trường học hạnh phúc là những đích đến trong một mơ ước lớn của thầy Mạnh.
Bình luận (0)