May áo quần miễn phí tặng học sinh Pa Kô - Vân Kiều
Những ngày cuối tháng 11, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) mưa liên miên, tiết trời lạnh giá, con đường dẫn vào điểm trường Kỳ Tăng của Trường mầm non A Xing ở xã Lìa trở nên khó đi lại hơn bao giờ hết.
Nhưng cô giáo Trần Thị Châu (49 tuổi, trú xã A Xing) mỗi ngày vẫn phải vượt con đường bùn dốc trơn trượt này để mang "con chữ" cùng những tấm áo mới tặng trẻ em dân tộc thiểu số Pa Kô - Vân Kiều.
Và điều này hàng chục năm nay diễn ra như thế...
Gần tuổi nghỉ hưu, cô Châu vẫn nhận nhiệm vụ mới và góp phần làm cho điểm trường Kỳ Tang trở nên xinh xắn, đẹp đẽ.
"Tôi lên đây vào năm 1999, đúng mùa đông, thời tiết cũng lạnh buốt thế này. Vậy mà, khi ấy bà con dân tộc thiểu số không có áo quần để mặc. Với chiếc áo cũ rách, những bà mẹ buộc một một tấm sánh, áo quần người Pa Kô - Vân Kiều, ngang người rồi địu con lên rẫy, nhìn rất đáng thương", cô Châu nhớ lại.
Chỉ là một người lạ mới lên lập nghiệp ở vùng đất xa lạ, đối diện nhiều khó khăn nhưng cô Châu vẫn đi xin những mảnh vải cũ để may áo quần tặng bà con, nhất là học sinh. Công việc ấy kéo dài đến tận bây giờ.
"Có lẽ vì từ nhỏ gia đình tôi cũng khổ, cũng mang áo quần cũ rách như người dân ở đây nên tôi rất thích may áo quần. Trong nhà có một căn phòng riêng để tôi thỏa thích sáng tạo. Từ áo quần thường ngày, đồng phục cho đến trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đều làm được", cô Châu chia sẻ.
Tự bỏ tiền túi để mua nguyên liệu, bỏ công sức để may áo quần tặng miễn phí, điều làm cô Châu vui nhất là khi khoác lên cho các em học sinh chiếc áo mới, cô thường nhận lại lời đồng thanh cảm ơn của cả lớp. "Còn sức, tôi sẽ còn làm công việc này", cô chia sẻ.
Cô giáo giàu lòng hảo tâm nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú
Năm 2023, cô giáo Trần Thị Châu nhận công tác mới tại điểm trường Kỳ Tăng. Lúc đó, điểm trường rất ngổn ngang, nhiều cơ sở vật chất đã không đảm bảo phục vụ giảng dạy. Với kinh nghiệm của mình, cô dần thay đổi nhiều thứ, từ việc giảng dạy đến sinh hoạt cho các em học sinh.
"Tôi vừa mới làm lại phần sân trường để các em học sinh có nơi sinh hoạt sạch sẽ, an toàn hơn. Mọi chi phí đều do tôi đóng góp và phối hợp với các bạn đoàn viên ở xã giúp thêm sức lực, đổ sân nền", cô Châu chia sẻ.
Điểm trường Kỳ Tăng là nơi hơn 20 em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Trước đó, cô Châu cũng thực hiện rất tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình ở nhiều điểm trường khó khăn khác thuộc Trường mầm non A Xing và nhiều lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, đóng góp sáng kiến để phát triển môi trường giáo dục tại địa phương.
Trong dịp 20.11 vừa qua, cô giáo Trần Thị Châu vinh dự là một trong 16 giáo viên được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng. Cô Châu là giáo viên mầm non duy nhất của tỉnh Quảng Trị được nhận danh hiệu này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hướng Hóa, đánh giá cao những nỗ lực, thành tích mà cô giáo Trần Thị Châu cống hiến cho điểm trường ở vùng bản xa xôi và đầy khó khăn của địa phương.
"Cô Châu là một giáo viên tiêu biểu của địa phương, hằng năm đều hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ của mình. Cô còn làm rất tốt các công việc xã hội hóa, giúp đỡ cho bà con xã Lìa. Danh hiệu Nhà giáo ưu tú vừa nhận được chính là thành quả to lớn mà cô Châu đã nỗ lực, cống hiến suốt nhiều năm qua", bà Nga nói.
Bình luận (0)