Nhà hàng của người tự kỷ
Đều đặn mỗi ngày, Minh (22 tuổi) đi xe buýt hoặc được người thân đưa đến hệ thống siêu thị, nhà hàng trên phố Mai Anh Tuấn. Khi thấy khách vào, anh vui sướng chạy ra mở cửa đón và không quên hướng dẫn khách dùng cồn sát khuẩn rồi mời vào bàn.
Những thao tác nhanh nhẹn được thực hiện như lấy thực đơn, hướng dẫn cho khách món nào ngon, nước nào được nhiều người thích nhất ở quán. Sau đó, anh chuyển thực đơn xuống nhà bếp, cho những đồng nghiệp khác làm các bước tiếp theo.
Nhìn qua không ai phát hiện ra chàng trai 22 tuổi này có phần đặc biệt, nhưng khi trao đổi thêm sẽ thấy Minh nói không được rõ chữ, cũng không nhanh nhẹn như người bình thường.
Nhận thực đơn là một chiếc bánh pizza chay từ Minh, Hưng (21 tuổi) nhanh chóng chuẩn bị nguyên liệu để làm. Anh thực hiện được 4/5 khâu làm ra một chiếc pizza. Sau khoảng 15 phút, Hưng tự tay bê lên cho khách và xếp bàn, đặt khay đựng bánh, dĩa, thìa, dao cắt bánh lên bàn. Mọi thao tác cứ lần lượt, thoăn thoắt mà hoàn thành.
Làm xong, cả 2 chàng trai đứng bên góc bàn ăn, nở nụ cười tươi rồi nhẹ nhàng mời khách ăn khi món vẫn còn nóng. Khi khách ăn xong và yêu cầu thanh toán, Minh hoặc Hưng sẽ thông báo cho Tùng (29 tuổi). Tại cửa hàng, Tùng là người giỏi tiếng Anh, ngôn ngữ giao tiếp cũng tốt hơn các bạn còn lại.
Nhìn những học trò đều là người tự kỷ của mình vui vẻ, chuyên nghiệp, anh Nguyễn Đức Trung, người sáng lập Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ đầu tiên tại Việt Nam (VAPs), rất vui mừng. Anh cho biết trước đây cả Hưng, Minh và một số bạn tự kỷ khác ở siêu thị đều không làm được những công việc này.
"Minh ngày trước từng làm vỡ rất nhiều cốc, tốn cả chục khối nước khi rửa ly mới có thể thuần thục. Hưng, không biết mất bao nhiêu đế bánh, bao nhiêu lọ chai tương ớt, tương cà mới có một Hưng "Chef" như hiện tại. Còn Tùng là phó giám đốc dự án, có thể đào tạo cho những người sau", anh Trung nói và cho hay để làm việc thuần thục được như vậy, mỗi người tự kỷ phải mất ít nhất 9 tháng đào tạo. Hết 9 tháng đào tạo, anh lại nhận thêm bạn tiếp theo.
Theo anh Trung, hệ thống nhà hàng pizza, cà phê kết hợp hiệu sách và siêu thị là những mô hình dự án anh mở ra dành riêng cho những người trẻ mắc căn bệnh tự kỷ. Để có thể giao tiếp, hiểu, làm việc được với những người đặc biệt này, anh mất tổng cộng 6 năm từ nghiên cứu, thí nghiệm và thực hiện mô hình.
"Đưa người tự kỷ ra khỏi thế giới chỉ có một mình họ"
"Đến siêu thị, các em được tham gia lao động, được làm việc bình thường, thậm chí được nhận lương như bao người khác", anh Trung chia sẻ và cho biết thêm: Minh làm việc ở đây được gần 5 năm, Hưng cũng hơn 4 năm, một số người khác tham gia từ khi anh còn đang nghiên cứu. Tại hệ thống, mỗi người có một chức năng, nhiệm vụ riêng; người thì làm văn phòng, người làm bếp, người làm phục vụ, thậm chí có người làm phó giám đốc dự án.
Nói về cơ duyên khi phát triển dự án, anh Trung cho hay anh vốn xuất thân từ dân kinh tế; cùng với đó, anh chuyên viết sách về trẻ tự kỷ. Từ đó, hai chữ tự kỷ khiến anh tò mò về thế giới riêng của những người đặc biệt này.
Theo anh Trung, nhận thức về tự kỷ mới chỉ xuất hiện tại VN trong vòng chưa đầy 20 năm và các chương trình giáo dục đặc biệt hiện tập trung vào nhóm trẻ tự kỷ từ 0 - 10 tuổi. Trong khi đó, nhóm từ 18 tuổi trở lên, những người "có quá khứ bị bỏ trống" gặp nhiều khó khăn hơn do thiếu khả năng hòa nhập và ngày càng trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội.
VAPs là mô hình tiên phong tại VN. Khác với các mô hình đào tạo nghề cho người tự kỷ hiện nay, VAPs không hướng tới một dây chuyền khép kín, mà người tự kỷ tại đây vừa được đào tạo nghề, vừa trực tiếp làm việc, đặc biệt là người đi trước sẽ hướng dẫn người tới sau. Tuy nhiên, mất nhiều thời gian đào tạo lại là điểm hạn chế của mô hình này, khi số lượng người nhận vào còn "nhỏ giọt", khó có thể mở rộng quy mô.
"Tôi mở dự án, điều quan trọng nhất là đưa những người tự kỷ ra khỏi thế giới chỉ có một mình họ, giúp các em hòa nhập với cuộc sống. Chính vì thế, tôi chọn cách làm kinh tế đàng hoàng, mở hẳn công ty với tham vọng có lợi nhuận, tạo việc làm bền vững cho người tự kỷ, để họ có cơ hội tự nuôi sống bản thân bằng chính những đồng lương nhận được từ sức lao động của mình", anh Trung nhấn mạnh.
Hàng ngày, mỗi bạn trẻ mắc bệnh tự kỷ sẽ có 8 giờ ở trung tâm, 16 giờ còn lại sẽ cần có gia đình ở bên. Vậy nên, khi nhận đào tạo, anh Trung cho rằng đó là yếu tố "kiềng ba chân" (gia đình, xã hội, tổ chức) giúp anh có thể thành công.
Tại hệ thống, lương của những người tự kỷ được tính theo sản phẩm, ai cũng được "làm thật, ăn thật". Điều đặc biệt là, một số nhân viên có thể tự ra ngân hàng rút tiền, có thể tự đi siêu thị mua đồ chế biến pizza hay mua đồ uống cho quán cà phê... "Tôi hy vọng, ở VAPs, những người trẻ tự kỷ sẽ thành thạo tất cả các kỹ năng của một người bình thường", anh Trung nói tiếp.
Chia sẻ thêm về công việc của mình, Tùng cho hay làm việc ở VAPs hơn 1 năm, anh thấy mình có giá trị và được tôn trọng. "Trước đây, tôi đã từng làm qua 2 công việc, nhưng khi đó không ai chịu bắt chuyện với tôi. Còn ở đây, tôi thấy mình được sống như một gia đình, được thấy mình quan trọng", Tùng nói.
Bình luận (0)