‘Nhà hàng’ ven đường của thôn nữ Cà Mau mỗi ngày một món, bán lỗ vẫn vui

06/11/2021 14:09 GMT+7

‘Nhà hàng thôn nữ’ ven đường ở tỉnh Cà Mau không có biển hiệu nhưng lại được nhiều bạn trẻ biết đến. Thực đơn không sợ 'đụng hàng' với ai, mỗi ngày một món, được thay đổi liên tục theo thời tiết và thị hiếu.

Chủ “Nhà hàng thôn nữ” là cô gái quê Cà Mau tên Võ Thị Cẩm Linh, sinh năm 1994. Trong thời gian ở quê tránh dịch, cô đã quay nhiều video về ẩm thực, cảnh bắt cua, bắt ba khía…nhằm giới thiệu cảnh đẹp quê nhà trên kênh YouTube và sau đó quyết định mở “nhà hàng thôn nữ”.

Mỗi ngày một món, chủ "nhà hàng thôn nữ" bắt đầu nấu từ 14 giờ và 17 giờ sẽ bày hàng ra bán

vũ lâm

Để các em nhỏ được biết nhiều món ăn vặt

Trong các đoạn video trên YouTube, cô gái 9X thường mặc áo bà ba tím, nấu những món ăn vặt cho “nhà hàng thôn nữ” tại vùng quê vốn không có nhiều hàng quán ở H.Cái Nước (tỉnh Cà Mau).

“Ở Sài Gòn hay thị trấn, mọi người còn biết đến những món ăn vặt nhưng ở đây các bạn nhỏ ít được biết đến. Do đó, tôi quyết định mở 'nhà hàng' để cho các em được thưởng thức”, Linh tâm sự.

Chiếc sàn lãng là nơi thôn nữ Cà Mau tận dụng để nấu ăn và quay clip YouTube

vũ lâm

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Linh cho biết cô gọi quán nhỏ ven đường của mình là “nhà hàng thôn nữ” vì muốn tạo sự tò mò cho mọi người.

Gọi là “nhà hàng” nhưng thực chất là một căn chòi lá được dựng ở ven đường cách đây 3 tháng, nằm cạnh bên bờ sông, với cái bàn và vài chiếc ghế nhựa để những “thực khách trung thành” của quán ăn vặt là các bạn nhỏ trong xóm.

“Nhà hàng thôn nữ là quán cây nhà lá vườn, cột và kèo là gỗ đước đốn ở ruộng, lá lợp nhà mua của hàng xóm, nhà đều do một tay ba mình dựng lên trong vòng 2 ngày”, Linh chia sẻ.

Quán ăn có diện tích khiêm tốn (4,5 m x 3 m), với điểm nhấn là chiếc sàn lãng đậm chất miền Tây Nam Bộ cạnh sông. Chiếc sàn lãng này là “nơi thôn nữ Cà Mau” tận dụng để nấu ăn và quay clip YouTube.

Linh cho hay món đầu tiên nằm trong thực đơn khai trương là trà sữa. Cô cũng không ngờ rằng các em nhỏ ủng hộ rất nhiệt tình. Sau đó, cô bán thêm những món ăn vặt như: bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, bánh lọt, bánh mì nướng, gà rán, bánh ướt…

“Thực đơn của nhà hàng thôn nữ đặc sắc, không sợ “đụng hàng” với ai, mỗi ngày một món, được thay đổi liên tục theo thời tiết và thị hiếu”, Linh phấn khởi nói.

“Nhà hàng thôn nữ” là động lực để Linh duy trì quay những video giới thiệu hình ảnh quê hương trên YouTube

Vũ lẫm

"Giá rẻ để các em ở đây có thể mua được"

Các món ăn vặt được bán với giá rẻ bất ngờ: 2.000 đồng, 5.000 đồng, 7.000 đồng… tùy theo món. Linh bày tỏ: “Mình bán ở mức giá này để các em ở đây có thể mua được”.

Để nấu các món ăn, Linh mua các nguyên liệu ở chợ và nấu khoảng 3 giờ để hoàn thành thực đơn trong ngày. Cô chia sẻ: “Nhiều khi mình mua hết 800.000 đồng nguyên liệu nhưng bán được vài chục ngàn đồng, dù lỗ vốn nhưng mình cũng cảm thấy vui”.

Dần dần, nhiều khách hàng quen thuộc hình ảnh cô thôn nữ Cà Mau trong chiếc áo bà ba màu tím gói từng món ăn. Cứ đến 17 giờ chiều mỗi ngày, nhiều người đến quán của Linh để mua đồ ăn vặt mang về nhà thưởng thức.

Những khách hàng đến ủng hộ "nhà hàng thôn nữ"

Vũ Lâm

Vừa làm YouTube vừa buôn bán, cô gái hy vọng có thể giới thiệu đồ ăn vặt mới lạ cho người dân địa phương.

Cô Hoa Thị Phượng, mẹ của Linh, chia sẻ: “Món ăn mà Linh nấu hầu như ở quê này người lớn hay trẻ em đều chưa biết đến. Tôi thường phụ dọn dẹp quán ăn và cảm thấy rất vui khi quán của con được mọi người xung quanh ủng hộ”.

Tương tự, anh Hoa Quốc Phong, thường xuyên xuất hiện cùng với Linh với vai trò phụ bếp trong các đoạn video trên YouTube, chia sẻ: “Điều mình ngưỡng mộ ở chủ 'nhà hàng thôn nữ' là không phải dựa vào YouTube để kiếm tiền mà là nỗ lực giới thiệu hình ảnh quê hương”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.