Nhà leo núi lên tiếng sau khi bị tố dẫm lên xác người để lập kỷ lục

11/08/2023 21:36 GMT+7

Một nhà leo núi Na Uy đã đối mặt với chỉ trích sau khi nhiều người cáo buộc cô bước qua một sherpa (người hỗ trợ) sắp chết để lập kỷ lục chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong thời gian ngắn nhất.

Trong một bài đăng dài trên Instagram hôm 10.8, nhà leo núi Kristin Harila, 37 tuổi, cho biết cô và nhóm của mình "đã làm mọi thứ có thể cho anh ấy vào thời điểm đó", theo AFP.

Cô Harila và sherpa người Nepal Tenjin "Lama" Sherpa đã trở thành những người chinh phục toàn bộ 14 ngọn núi cao trên 8.000 mét của thế giới trong thời gian ngắn nhất vào ngày 27.7, sau khi lên đến đỉnh K2 (thuộc dãy Himalaya) ở Pakistan. Họ đã hoàn thành kỳ tích trong 3 tháng 1 ngày, vượt qua kỷ lục 6 tháng 6 ngày mà nhà thám hiểm người Anh gốc Nepal Nirmal Purja thiết lập năm 2019.

Song tranh cãi đã nổi lên trên mạng xã hội sau khi video được ghi lại bằng máy bay không người lái cho thấy nhóm của cô Harila và những người khác đã bước qua cơ thể một sherpa của một nhóm khác sau khi người này bị ngã trên một lối đi hẹp, hiểm trở. Sherpa này - anh Mohammed Hassan, 27 tuổi - sau đó đã chết trong lúc cô Harila leo lên đỉnh núi.

Nhà leo núi lên tiếng sau khi bị tố dẫm lên xác người để lập kỷ lục - Ảnh 1.

Nhà leo núi Kristin Harila tại sân bay ở Kathmandu, Nepal, ngày 5.8

AFP

Nhà leo núi Na Uy cũng bị chỉ trích vì đã ăn mừng kỷ lục thế giới của mình tại trại căn cứ vào tối cùng ngày.

"Sẽ không ai nhớ đến thành tích thể thao của cô, họ chỉ nhớ tới sự vô nhân đạo của cô mà thôi", một người chỉ trích viết trên Instagram. "Tay cô đã vấy máu của sherpa đó", một người khác nói.

Cô Harila cho biết cô cảm thấy cần phải kể lại câu chuyện từ phía mình giữa lúc "mọi thông tin sai lệch và sự thù hận đang được lan truyền", bao gồm "những lời đe dọa giết người".

Cô nói rằng cô, người quay phim của cô và hai người khác đã dành "1,5 tiếng tại điểm nút cổ chai đó để cố gắng kéo anh ấy lên", đề cập đến sherpa Hassan. Sau đó, khi một đội sửa chữa đi trước gọi khẩn cấp, cô tiếp tục tiến lên và bỏ lại những người khác cùng với anh Hassan.

Người quay phim của cô, chỉ được xác định là Gabriel, nằm trong số những người ở lại với anh Hassan. Anh Gabriel đã chia sẻ bình ôxy và nước nóng với anh Hassan "trong khi những người khác lướt qua".

"Xét đến số lượng người ở lại và đã quay lại, tôi tin rằng Hassan sẽ nhận được mọi sự giúp đỡ có thể và cậu ấy sẽ có thể xuống được", cô Harila cho biết.

Anh Gabriel đã rời đi sau khi ở đó thêm một tiếng nữa vì anh cần "lấy thêm ôxy để đảm bảo an toàn cho bản thân", cô viết. Khi anh đuổi kịp cô, "chúng tôi hiểu rằng anh ấy (Hassan) có thể sẽ không vượt qua được", theo nhà leo núi Na Uy.

Trên đường đi xuống, họ phát hiện ra rằng anh Hassan đã qua đời. Nhóm bốn người của cô "không đủ khả năng để đưa thi thể anh ấy xuống" một cách an toàn, vì việc này cần ít nhất sáu người.

Cô Harila cũng lưu ý rằng anh Hassan "không được trang bị phù hợp để leo núi", không mặc trang phục hay đeo găng tay chuyên dụng.

Nhiều người dùng Instagram đã lên tiếng bảo vệ hành động của cô Harila và ghi nhận những mối nguy hiểm có thể xảy ra.

Gần lên đỉnh Everest nhưng thấy người tê cóng, nhà leo núi đã làm gì?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.