Nhà lữ hành giữa các nền văn minh

07/04/2013 02:19 GMT+7

Từ vài thập niên nay, nhắc đến Lê Thành Khôi ở Pháp, giới chuyên môn đều công nhận ông là một đại diện quan trọng cho ngành giáo dục học Pháp. Ngoài ra, ông còn là cố vấn uy tín của UNESCO, UNDP, ILO... từng là tổng thư ký Tạp chí Thế giới Thứ Ba. Lê Thành Khôi là tác gia duy nhất viết bằng tiếng Pháp một cách uyên bác và có hệ thống về lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam...

Bậc thầy của giáo dục học

Bằng những diễn từ khác nhau, như “có một chỗ đứng đặc biệt”, “những công trình bậc thầy”, “một sự nghiệp hòa quyện tinh thần nhân văn u châu và minh triết Á châu”, giới giáo dục (GD) học Pháp đồng thuận nhận định rằng Lê Thành Khôi là một gương mặt nổi bật trong nền GD học đương đại Pháp. Trước hết, ông là một trong những người đặt nền móng nghiên cứu và giảng dạy một vài chuyên ngành: GD so sánh, kinh tế GD và GD Phi châu.

Điểm qua vài cuốn sách làm nên sự nghiệp của ông, chúng ta sẽ nhận thấy mỗi cuốn giữ một vị trí đặc biệt ở thời điểm nó ra đời. Kỹ nghệ giáo dục (1967) là một “tiểu luận xuất sắc nhất về kinh tế GD được viết bằng tiếng Pháp”. Giáo dục so sánh (1981) đã “thực sự lấp một chỗ trống về phương pháp luận của GD so sánh tại Pháp”. Tiếp đến, bộ đôi Giáo dục và văn minh, I. Xã hội ngày xưa (1995) và Giáo dục và văn minh, II. Sự hình thành của thế giới đương đại (2001) là “công trình vĩ đại mang tầm vóc bác học của một nhà nghiên cứu đa ngành kỳ cựu” và “giữ vị trí hàng đầu trong mọi ý đồ nghiên cứu tổng quan về lịch sử GD”.

Các công trình này được viết bởi văn phong giản dị, rành mạch, thanh thoát, được phân tích một cách chính xác, tỉ mỉ và tinh xảo, thông qua những dẫn chứng phong phú và xác thực, khiến cho những lý thuyết khoa học của một học giả uyên bác, tưởng như cao siêu, được truyền tải đầy hiệu quả đến độc giả bằng cái tài của nhà sư phạm.

Qua những ấn phẩm này, ông thực hiện một dự án tầm cỡ, đó là lập thuyết về khái niệm GD ở tầm nhân loại thông qua những đặc điểm riêng biệt của nhiều nền văn minh. GD được ông quy chiếu trong chiều dài lịch sử nhân loại, trong sự vận động đương đại, trên bình diện phổ quát và đặc thù, trong những mối quan hệ phụ thuộc hay đối lập của các thành phần cấu thành nên GD. Bằng phương pháp liên ngành và liên văn hóa, ông chứng minh vai trò căn bản và tầm quan trọng của GD cho động lực nội sinh của một nền văn minh. Nhờ các công trình của ông mà ngành GD học của Pháp được tiếp cận với những vấn đề lý thuyết và thực tiễn GD của nhiều quốc gia khác. Đó là “sự nghiệp của bậc chính nhân quân tử, vừa là nhân chứng vừa là tác nhân của nền giáo dục trong thời đại của ông, ở quỹ đạo hành tinh trái đất” (Pierre-Louis Gauthier).

Tuy đã nghỉ hưu từ hơn 20 năm nay nhưng nước Pháp vẫn cần đến ông trong vai trò cố vấn “tối cao” cho một cuộc hội thảo quốc tế so sánh nền GD giữa hai đại lục u - Á mà lần đầu tiên Pháp sẽ tổ chức năm 2014, vì khó tìm được một người thay thế ông ở thời điểm này cũng như trong nhiều năm nữa.

Nhà lữ hành giữa các nền văn minh
Giáo sư Lê Thành Khôi - Ảnh: Nguyễn Thụy Phương

Nhà văn hóa học

Không chỉ là bộ óc khoa học chặt chẽ mà Lê Thành Khôi, ở những tác phẩm về nghệ thuật, mỹ học, cũng mang một tâm hồn nhạy cảm, một ngòi bút tinh tế. Ham muốn cái đẹp (2000) là một tiểu luận mỹ học so sánh. Từ những hiện vật nghệ thuật, do chính ông chụp lại hay sưu tầm, đến từ rất nhiều nền văn hóa, ông phân tích những nét đặc thù về đường nét, bố cục, màu sắc, hình thái, hàm chứa những ý nghĩa riêng trong từng nền văn hóa, và từ đó khái quát lên tính đồng nhất và đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật của nhân loại và định nghĩa những tiêu chuẩn phổ quát của cái đẹp. Du hành vào các nền văn hóa Việt Nam (2001) hay Vài bước ở Vân Nam (2005) là cuộc du ngoạn khám phá đời sống tinh thần và vật chất của vùng đất có một địa vị quan trọng trong lịch sử các nền văn hóa Đông Nam Á, qua lời kể của một học giả có vốn kiến thức sâu về văn minh Hán hóa và tầm nhìn bao quát về văn minh thế giới. Khối tình (1959) hay Cò bay trên đồng lúa, ca dao và thơ cổ điển Việt Nam (1995) giúp độc giả khám phá văn phong trữ tình, lối tự sự tinh tế và một tâm hồn thơ, tưởng như khó thấy ở các nhà nghiên cứu khoa học.

Chắc chắn, Lê Thành Khôi hiện nay là người duy nhất giới thiệu với độc giả Pháp ngữ trên thế giới một cách hệ thống, công phu và uyên bác bề dày lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam qua các công trình mang tính tổng quan cao: Việt Nam, lịch sử và văn minh (1955), Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến 1858 (1982), Lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam từ khởi thủy đến ngày nay (2008). Việt Nam, lịch sử và văn minh, cuốn sử Việt đầu tiên do một người Việt Nam viết bằng ngoại ngữ, ra đời trong cuộc chiến tranh phi thực dân. Ở bối cảnh nhạy cảm đó, được viết một cách đầy đủ với những dữ kiện chính xác và nhận định nghiêm túc, cuốn sách đã có tác động lớn đến chính giới Tây phương và ảnh hưởng lâu dài trong vài thập kỷ đến giới nghiên cứu Việt Nam học. Đối với Georges Condominas, nhà dân tộc học này “gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác” sử thứ hai ra đời gần 30 năm sau. Hai cuốn sử này có ảnh hưởng quan trọng đến việc nghiên cứu thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam của sử gia Pháp Charles Fourniau. Theo ông, “Lê Thành Khôi không chỉ thuần túy là nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này ở Việt Nam thời xưa”. Đi nhiều, biết rộng, có lẽ ông vẫn băn khoăn về chỗ đứng của văn học Việt Nam trên thế giới, như ông tâm sự: “Phải luôn luôn nghiên cứu, học xã hội mình và xã hội người. Với tinh thần đó, tôi đang viết một cuốn Lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam. Mục đích đầu tiên là để giới thiệu văn học nước mình cho ngoại quốc. Hiện giờ người ta chỉ biết Trung Hoa và Nhật Bản. Tôi mong rằng quyển sách sẽ được dịch sang tiếng Anh để có nhiều người đọc hơn là tiếng Pháp”.

Xuyên thời gian và vượt biên giới

Thuở thiếu thời, ông học tiếng La tinh, một trong những gốc tự văn minh phương Tây ở xứ Viễn Đông, đến tuổi thanh niên, học chữ Hán, gốc tự văn minh Trung Hoa ở Tây u. Điều này, chẳng hay là tiên định, rằng khám phá thế giới ở ông là quá trình giao lưu Đông Tây không ngưng nghỉ. Sự nghiệp của ông, xuyên thời gian và vượt biên giới, là chuyến du hành tìm hiểu bản thân và khám phá tha nhân. Cuộc đời ông là minh chứng phương Tây có trong phương Đông qua sự hấp dẫn lẫn nhau, qua những ảnh hưởng, vay mượn, học hỏi tương hỗ. Ông giúp chúng ta hiểu được các nét đặc thù trong từng nền văn hóa, tô điểm và tích hợp thành tính phổ quát của mọi nền văn hóa, như một thông điệp, rằng con người và văn hóa vừa khác nhau vừa gần gũi, bởi đó là bản chất của nhân loại.

Lê Thành Khôi vượt ra khỏi khuôn khổ thường để định vị là một đại diện cho nền văn hóa này hay quốc gia kia. Ông là một bản thể chuyển giao và tiếp biến văn hóa ở ý nghĩa cao quý nhất. Ông đích thị là thứ di sản văn hóa sống của nhân loại, nếu không muốn nói là ít nhất của hai đại lục Á, u.

Trong gia đình ông, ba thế hệ đã và đang góp phần vào tiến trình giao lưu và tiếp biến văn hóa. Cha ông, Lê Thành Ý, một trong những giáo sư Việt ngữ đầu tiên giảng dạy ở Pháp; con trai ông, Nguyên Lê, một cây ghi ta kỳ tài, một trong những nhạc sĩ dòng nhạc jazz sáng tạo nhất thế giới hiện nay, đem âm nhạc dân gian Việt Nam tạo nên âm hưởng mới cho jazz và world music. Trải nghiệm cả một đời người, kinh nghiệm trải qua ba thế hệ dường như mới là đủ để Lê Thành Khôi chấp bút viết cuốn sách cuối đời, như lời ông, về nhập môn liên văn hóa.

Đây đó, ông có những bài viết bằng tiếng Việt nhưng chưa một công trình học thuật nào của ông được dịch in ở Việt Nam.

Giáo sư Lê Thành Khôi sinh ngày 3.5.1923 tại Hà Nội. Năm 1947, ông sang Pháp du học. Ông tiếp cận nhiều chuyên ngành khác nhau thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và trở thành lưỡng khoa tiến sĩ (kinh tế và giáo dục học). Ông từng giảng dạy ở nhiều trường đại học, trong đó có ĐH Paris, ĐH Nanterre. Trước tác đồ sộ của ông gồm hơn 20 cuốn sách viết riêng và hơn 20 cuốn viết chung, chưa kể hàng trăm bài báo, tham luận hay báo cáo quốc tế. Năm 2003, ông được nước Pháp tặng huân chương Chevalier de l'ordre des Arts et des Lettres. Tháng 3.2013 ông được trao tặng Giải thưởng Phan Châu Trinh.

Nguyễn Thụy Phương
(ĐH Paris Descartes, Pháp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.