Nhà máy châu Á bị ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới

01/08/2016 15:51 GMT+7

Các nhà máy ở Nhật Bản và Trung Quốc có ít dấu hiệu phục hồi nhu cầu trong tháng 7. Khảo sát sản xuất trên toàn châu Á cho thấy tăng trưởng yếu ở Mỹ và châu Âu để lại ảnh hưởng lớn.

Theo Reuters, sự thể hiện thất thường của kinh tế thế giới là mối quan ngại hàng đầu trong tâm trí ông William Dudley, nhà chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông Dudley từng phát biểu ở Indonesia, cho hay Mỹ nên thận trọng trong việc tăng lãi suất.
William Dudley, nhân vật thân cận với Chủ tịch Fed Janet Yellen, cảnh báo về những cú sốc tiêu cực xuất phát từ dư chấn của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và đồng đô la Mỹ mạnh lên.
Trong số hàng loạt cuộc khảo sát công bố hôm nay 1.8, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc giảm đáng kể về mức 49,9 trong tháng 7. 50 là ngưỡng phân biệt giữa tăng trưởng và sụt giảm.
“Dữ liệu hôm nay không phải là dấu hiệu tốt cho tăng trưởng GDP. Các ngành sản xuất truyền thống có khả năng phải tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mạnh trong lúc tiếp tục nỗ lực giảm năng lực sản xuất dư thừa. Vì thế, chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng giữ nguyên chính sách tiền tệ”, nhà kinh tế Louis Lam thuộc ngân hàng ANZ viết.
Khi ngành sản xuất không mấy lạc quan, khu vực dịch vụ của Trung Quốc lại có triển vọng lớn. Các thước đo chính thức cho thấy hoạt động dịch vụ tăng một chút trong tháng 7.
Dù vậy, niềm vui trên không lan đến Nhật Bản, nơi đồng yen “cao vút” đang hạ số đơn hàng xuất khẩu mới với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 năm, theo IHS Markit/Nikkei. Tổng PMI Nhật Bản lên nhẹ 49,3 trong tháng 7 so với mức 48,1 hồi tháng 6, số liệu này vẫn nằm trong vùng đi xuống.
Cổ phiếu các nhà xuất khẩu Nhật Bản giảm xuống sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định không nới lỏng mạnh tiền tệ hồi tuần trước, đánh tan nhiều kỳ vọng và khiến yen Nhật bay cao hơn. BOJ hiện đánh giá toàn bộ kế hoạch nới lỏng của họ, chuẩn bị cho kỳ họp chính sách tiếp theo vào ngày 21.9.
Ở Hàn Quốc, nhu cầu nội địa yếu khiến Nikkei/Markit PMI giảm từ 50,5 xuống mức 50,1 vào tháng 7. Số liệu thương mại chính thức cũng cho thấy xuất khẩu từ cường quốc thương mại điện tử giảm tháng 19 liên tiếp vào tháng 7, hạ ở mức nhanh nhất trong ba tháng.
Ngược lại, Ấn Độ là điểm sáng cho bức tranh sản xuất ở châu Á. Hoạt động của các nhà máy nước này lên cao đến 51,8 điểm trong tháng 7 nhờ nhu cầu vững chắc trong nước và nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.