Nhà máy đốt rác phát điện ở TP.HCM cần tháo gỡ thủ tục

08/07/2024 06:30 GMT+7

Sở TN-MT vừa có báo cáo UBND TP.HCM kết quả thực hiện Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quy hoạch, TP.HCM định hướng đầu tư 5 khu xử lý chất thải rắn gồm: khu công nghệ Môi trường xanh (H.Thủ Thừa, Long An) rộng 200 ha, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (H.Củ Chi) rộng 822 ha, khu Đa Phước (H.Bình Chánh) rộng 614 ha cùng 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt cho TP.Thủ Đức và H.Cần Giờ.

Nhà máy đốt rác phát điện ở TP.HCM cần tháo gỡ thủ tục- Ảnh 1.

Nhà máy xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, H.Củ Chi, TP.HCM

Nguyên Vũ

Theo nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%. Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM kêu gọi 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải nhưng hiện mới có 2 dự án có quyết định chủ trương đầu tư gồm Công ty CP Vietstar (công suất 2.000 tấn/ngày) và Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Hiện 2 doanh nghiệp này đang làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Ngoài ra, 3 doanh nghiệp khác đang thực hiện các thủ tục pháp lý gồm Công ty CP Tasco, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM. Sau gần 4 năm nhưng các dự án vẫn loay hoay khâu thủ tục, Sở TN-MT đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành chỉ tiêu xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại vào năm 2027.

Đối với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, Sở TN-MT cho biết từ năm 2021, TP.HCM phân loại thành 2 nhóm chính: nhóm có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Tuy nhiên, luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ năm 2025 phải phân loại thành 3 nhóm gồm: nhóm có thể tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Để thực hiện yêu cầu này, Sở TN-MT đang phối hợp các địa phương rà soát lại hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lưu giữ, vận chuyển.

Về việc sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập và chuyển đổi phương tiện thu gom, từ năm 2021 đến nay, TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện đã rà soát, chuyển đổi 1.897 phương tiện thu gom. Tính đến cuối năm 2023, toàn TP.HCM có hơn 6.400 phương tiện thu gom, trong đó có đến 37% phương tiện không đạt chuẩn, có gần 1.900 phương tiện có nhu cầu chuyển đổi với vốn vay gần 230 tỉ đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường.

Các địa phương cũng đã hoàn thành chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (riêng Q.5 chưa hoàn thành) với 2.520 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia. Cụ thể, toàn TP.HCM có 208 công ty tư nhân, 35 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác tại nguồn và Liên hiệp Hợp tác xã môi trường Đồng Tâm là tập hợp của 10 hợp tác xã thành viên.

Cũng theo Sở TN-MT, hiện các quận, huyện đang đầu tư 16 trạm trung chuyển rác sinh hoạt. Về yêu cầu kỹ thuật, từ năm 2025 trở đi, tất cả trạm trung chuyển phải xây dựng khu vực tiếp nhận rác và khu vực xe đậu chờ được thiết kế khép kín hoàn toàn, sử dụng công nghệ ép rác kín, có hệ thống xử lý nước thải, mùi hôi, khí thải...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.