Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang: Thiếu nhân sự và kinh phí sửa chữa

Phạm Anh
Phạm Anh
17/08/2023 06:27 GMT+7

Tại tỉnh Quảng Ngãi có gần 95% công trình nước sạch tập trung bị hư hỏng, bỏ hoang do không có tiền sửa chữa và bộ phận được giao quản lý, vận hành không có chuyên môn.

Dân "khát" bên công trình nước sạch bỏ hoang

Nhìn từ xa, công trình nước sạch thôn Trì Bình (xã Bình Nguyên, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) chẳng khác gì một trạm thủy nông cũ nằm giữa đồng ruộng mênh mông. Đến gần, không thể ngờ đây là công trình nước sạch. Trong khuôn viên đầy cỏ dại, nhà điều hành hoang tàn, từ cửa cho đến hệ thống điều hành bị gỉ sét, cỏ lau phủ cả lên bể chứa nước. Thân trụ nước bằng sắt đã bong tróc bên ngoài, thủng lỗ chỗ...

"Không ai dám dùng nước này. Vì nước sạch gì mà làm giữa đồng ruộng, thuốc trừ sâu quanh năm, ngập lụt lút đầu vào mùa mưa", ông Lê Bình (53 tuổi, ở thôn Trì Bình) lo sợ.

Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang: Thiếu nhân sự và kinh phí sửa chữa - Ảnh 1.

Công trình nước sạch thôn Trì Bình bỏ hoang 8 năm nay

PHẠM ANH

Theo nhiều người dân thôn Trì Bình, công trình nước sạch này được xây dựng năm 2002, do Ban Quản lý khu công nghiệp (nay là khu kinh tế) Dung Quất xây dựng "bù" cho dân vì lo ngại dự án xử lý chất thải rắn ở phía tây bắc làm ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt. Đến năm 2015, công trình nước sạch này bị hư hỏng nhưng do giao cho dân và xã quản lý nên không có kinh phí sửa chữa. Từ đó, công trình phải bỏ hoang trong 8 năm qua.

Do thôn Trì Bình có địa thế đồng ruộng bao bọc, người dân ở đây luôn phập phồng khi sử dụng nguồn nước từ công trình này vì sợ nguồn nước bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Hiện, khi dùng nước giếng đào, giếng đóng để sinh hoạt, bà con cũng không yên tâm, phải tập trung về giếng của ông Lê Văn Quyên (thôn Trì Bình) lấy nước, vì giếng nhà này ở địa hình đồi núi cao nên được xem là an toàn hơn.

Theo ông Đồng Huân Chương, Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên, công trình nước sạch nói trên dành cho 600 hộ ở thôn Trì Bình sử dụng nhưng do không hiệu quả và bị hư hỏng nên bỏ hoang. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thôn Trì Bình đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành chức năng đưa ra hướng giải quyết cho công trình nước sạch này.

"Tuổi thọ" ngắn gây lãng phí

Ngoài công trình nước sạch nói trên, tỉnh Quảng Ngãi còn có hàng trăm công trình nước sạch khác cũng hư hỏng hoặc bị bỏ hoang, nhất là ở các huyện miền núi. Nhiều nơi, người dân sống gần công trình nước sạch nhưng lại không có nước dùng. Điển hình như ở thôn Mang Đen và thôn Y Vang của xã Ba Vì (H.Ba Tơ). Tại đây, có công trình nước sạch được đầu tư gần hoàn thành thì bị mưa lũ làm hư hỏng 150 m đường ống vào năm 2020. Từ đó, công trình này bị bỏ hoang, chưa được sửa chữa vì xã không có tiền.

Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang: Thiếu nhân sự và kinh phí sửa chữa - Ảnh 2.

Van vận hành công trình nước sạch thôn Trì Bình gỉ sét

Theo báo cáo của UBND H.Ba Tơ, toàn huyện có 62/75 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã dừng hoạt động, bỏ không. Nguyên nhân do từ khi giao công trình cho xã quản lý thì không có nguồn thu để chi trả công cho người quản lý, vận hành và không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng khi công trình bị hỏng. Vào mùa khô, nguồn nước ngầm, nước mặt ngày càng bị suy thoái và khô cạn nên các công trình thường xuyên bị thiếu nước, chất lượng nước sau xử lý không bảo đảm. Hằng năm, bão lũ làm hư hỏng nhiều công trình, nhất là đường ống cấp nước nhưng do không có kinh phí sửa chữa nên hư hỏng ngày càng lớn hơn, đành ngừng hoạt động công trình. Ngoài ra, cộng đồng dân cư chưa bảo quản công trình tốt; khi hư hỏng lại trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

Ở thôn Tre (xã Trà Tây, H.Trà Bồng), người dân phải xuống suối lấy nước về dùng trong khi công trình nước sạch ở gần đó đang vỡ đường ống, bể thì khô khốc, van vận hành gỉ sét. Từ khi công trình nước này hư hỏng, cả chính quyền và người dân đều không có kinh phí sửa chữa.

Liên quan các công trình nước sạch, UBND H.Trà Bồng đã có báo cáo gửi cho Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi và Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi. Theo báo cáo, H.Trà Bồng có 57/170 công trình cấp nước đã hư hỏng. Nguyên nhân do khi giao về các xã, cộng đồng dân cư chọn người vận hành, sử dụng. Nhưng người được chọn chưa qua đào tạo chuyên môn, không biết quản lý, vận hành công trình nên "tuổi thọ" công trình ngắn, gây lãng phí. Trong khi đó, hầu hết các công trình này đều sử dụng nguồn nước mặt đã rơi vào tình trạng bị ô nhiễm do người dân xung quanh dùng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chăn nuôi thải chất thải ra môi trường chưa qua xử lý ở một số nơi ảnh hưởng đến nguồn nước. Nguồn vốn quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình còn hạn chế nên việc quản lý, duy tu các công trình còn nhiều bất cập.

Không chỉ miền núi mà ngay cả ở đồng bằng cũng có nhiều công trình nước sạch rơi vào cảnh tương tự. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), cho biết trên địa bàn có hai công trình nước sạch được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 15 tỉ đồng nhưng nhiều năm nay không sử dụng được, phải bỏ hoang. Vì vậy, người dân địa phương rất bức xúc khi phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Qua tìm hiểu của Thanh Niên, 2 công trình này xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2013, cung cấp khoảng 550 m3 nước/ngày đêm và được kỳ vọng cung cấp nước sạch cho khu tái định cư di dân xóm Lân và 4 khu dân cư khác (gồm: Cây Sến, Đồng Bến Sứ, Ruộng Ngõ và Gò Dện) với khoảng 350 hộ dân. Theo kế hoạch, hai công trình này sẽ mở rộng cung cấp nước sạch cho gần 2.000 hộ dân nhưng bất thành. Bởi công trình được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tịnh Long quản lý vào năm 2018 thì đến 2020 đã hư hỏng, rồi không có kinh phí sửa chữa, đành bỏ hoang.

Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang: Thiếu nhân sự và kinh phí sửa chữa - Ảnh 3.

Công trình nước sạch ở đồng ruộng (xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi) bỏ hoang 3 năm nay

Khắc phục dần nhưng chưa đáng kể

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong đó, mỗi công trình kinh phí ít nhất là 500 triệu đồng, còn nhiều là tiền tỉ đồng, cá biệt có công trình hơn hơn 10 tỉ đồng. Hiện, công trình nước sạch tập trung được cho không hoạt động, do hư hỏng, bỏ hoang ở Quảng Ngãi có đến 486/513 công trình (chiếm 94,74%), trong đó hầu hết các công trình thuộc xã miền núi nằm xa khu dân cư và có địa hình tương đối phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đời sống người dân mà còn gây nhức nhối do lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong những công trình bị hư hỏng, có nhiều công trình đã xây dựng hàng chục năm. Khi các công trình bàn giao cho địa phương quản lý đã xảy ra hư hỏng, không có tiền sửa chữa. Bộ phận được giao quản lý lại không có chuyên môn và các nguyên nhân khác đã gây ra nhiều hệ lụy về sau. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo khắc phục dần những tồn tại liên quan đến các công trình nước sạch nói trên, nhưng vẫn chưa đáng kể. (còn tiếp) 

Bỏ cũ xây mới

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã có kế hoạch đầu tư và đang thực hiện xây dựng các công trình nước sạch bền vững, quy mô lớn, liên xã và nguồn nước đảm bảo, có quản lý vận hành để ổn định thường xuyên. Tỉnh Quảng Ngãi cũng rà soát tất cả các công trình nước tập trung trên địa bàn để thanh lý tài sản (có hơn 80% diện này) theo quy định, dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành. Sau đó, tỉnh sẽ đầu tư lại quy mô hơn, thiết bị công nghệ vận hành hiện đại hơn, bỏ hẳn cách làm lạc hậu trước đây.

Tất cả các công trình nước sạch xây dựng sau này sẽ có bộ phận chuyên môn quản lý vận hành, có ban hành giá nước để có nguồn thu, chi; ban hành sổ tay hướng dẫn công trình…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.