Nhà máy nước sạch xây xong rồi bỏ hoang: Đầu tư hơn 12,5 tỉ đồng rồi 'đắp chiếu' vì thiếu nước

Phạm Đức
Phạm Đức
15/08/2023 06:29 GMT+7

Dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng nhà máy nước sạch được đầu tư hơn 12,5 tỉ đồng ở xã Đỉnh Bàn (H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã phải ngưng hoạt động do nguồn nước thô đầu vào bị cạn khô.

DỪNG HOẠT ĐỘNG VÌ THIẾU NƯỚC

Dự án nhà máy nước sạch ở xã Đỉnh Bàn được đầu tư xây dựng vào năm 2021 với tổng kinh phí hơn 12,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và do người dân đóng góp. Công trình do UBND xã Đỉnh Bàn làm chủ đầu tư, được xây dựng trên núi Nam Giới. Theo dự án, khi hoàn thành nhà máy sẽ cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh cho khoảng 600 hộ dân ở các thôn Tân Phong, Thanh Long, Bình Sơn và Vĩnh Sơn của xã Đỉnh Bàn.

Đầu năm 2022, nhà máy nước sạch hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời gian đầu, người dân rất vui mừng khi thoát được cảnh phải sử dụng nước giếng đào, giếng khoan bị nhiễm phèn bấy lâu nay.

Tuy nhiên, từ tháng 6.2023 đến nay, nhà máy nước sạch này phải dừng hoạt động do nguồn nước thô đầu vào lấy từ khe suối trên núi Nam Giới bị cạn. Kể từ khi nhà máy ngừng cấp nước, người dân ở xã Đỉnh Bàn phải tự tìm nguồn nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Đầu tư hơn 12,5 tỉ đồng rồi 'đắp chiếu' vì thiếu nước - Ảnh 1.

Nhà máy nước sạch ở xã Đỉnh Bàn phải dừng hoạt động vì thiếu nước nguồn

PHẠM ĐỨC

Theo ông Trần Văn Khánh (55 tuổi, ngụ thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn), do nhà máy nước dừng hoạt động nên mấy tháng nay gia đình ông phải bỏ tiền mua từng bình nước lọc về để sử dụng cho việc ăn uống. "Nguồn nước giếng khoan của gia đình bị nhiễm phèn nặng nên tôi phải xây thêm bể lọc mới có thể sử dụng được cho việc tắm giặt. Việc thiếu nước sạch khiến cuộc sống của người dân chúng tôi gặp nhiều bất tiện và tốn kém", ông Khánh than thở.

Không chỉ gia đình ông Khánh mà hầu hết các hộ dân trong thôn Thanh Long và hàng trăm hộ dân ở các thôn khác nằm xung quanh khu vực nhà máy nước xã Đỉnh Bàn cũng đang phải khổ sở về nước sinh hoạt. "Suốt 2 tháng nay, ngày nào tôi cũng phải đi mua từ 1 - 2 bình nước lọc loại 20 lít của một cơ sở kinh doanh trong xã về để ăn uống. Người dân chỉ mong chính quyền địa phương sớm tìm ra nguồn nước khác cho nhà máy để không phụ thuộc hoàn toàn vào nước từ khe suối trên núi Nam Giới thường bị khô cạn vào mùa hè", chị Trương Thị Thế (35 tuổi, ngụ thôn Thanh Long) bày tỏ.

SẼ XIN KHOAN THĂM DÒ ĐỂ TÌM NGUỒN NƯỚC KHÁC

Ông Phạm Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, cho hay do vị trí xây dựng nhà máy nước nằm trên núi Nam Giới nên nguồn nước thô đầu vào đang phụ thuộc hoàn toàn vào khe suối ở đây. Vào mùa hè ít mưa thì các khe suối sẽ bị cạn khô, hoạt động của nhà máy nước do vậy cũng bị gián đoạn theo.

"Mùa hè năm ngoái nhà máy nước cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước thô nhưng khe suối không khô cạn trầm trọng như năm nay. Trước đây, khi chọn vị trí xây dựng nhà máy trên núi Nam Giới, chúng tôi cũng đã tính đến tình trạng khe suối bị khô cạn vào mùa hè, nhưng do chưa tìm được vị trí thích hợp hơn nên đành chấp nhận đặt nhà máy tại đây. Vả lại đặt nhà máy ở trên cao như vậy thì áp lực nước cũng mạnh hơn khi cung cấp nước về cho các hộ dân", ông Tùng lý giải.

Theo ông Tùng, mới đây Phòng NN-PTNT huyện cũng đã về khảo sát để tìm phương án cung cấp nước tạm thời cho người dân trong mấy tháng mùa khô nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Vừa qua, chính quyền xã cũng đã có văn bản trình UBND H.Thạch Hà xin chủ trương bố trí kinh phí để xã thực hiện việc khoan thăm dò tìm nguồn nước thô thay thế cho nhà máy nước. Tuy nhiên, để xin cấp phép khoan địa chất thì phải làm rất nhiều thủ tục nên sẽ mất nhiều thời gian mới có thể triển khai. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.