Nhà máy rác ngưng hoạt động, rác ùn ứ khắp nơi

10/11/2018 10:15 GMT+7

Người dân nhiều nơi ở Cà Mau bức xúc việc nhà máy xử lý rác ngừng hoạt động để bảo trì quá lâu khiến rác bị ùn ứ, gây hôi thối.

Nhiều bãi rác tạm quá tải
Trả lời PV Thanh Niên ngày 7.11, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo đúng cam kết đưa nhà máy rác vào hoạt động. Tỉnh đã chỉ đạo như thế, nhưng nhà máy không thực hiện thì sẽ yêu cầu báo cáo giải trình. Muốn hỗ trợ thêm phải chờ Bộ Xây dựng thẩm định định mức địa phương hỗ trợ là bao nhiêu, mới có cơ sở pháp lý để hỗ trợ”.
Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau (gọi tắt là Nhà máy rác Cà Mau, công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm) do Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) làm chủ đầu tư, hiện là nhà máy xử lý rác thải duy nhất ở tỉnh này. Kể từ khi chủ đầu tư xin phép cho nhà máy này ngưng hoạt động 3 tháng để bảo trì, bảo dưỡng, tất cả rác thải sinh hoạt bị “nằm lại” tại bãi rác tạm ở các huyện, còn rác thải của TP.Cà Mau thì được xử lý thủ công.
Do kéo dài việc bảo trì nên các bãi rác tạm quá tải. Như bãi rác tạm của H.Cái Nước, mấy tháng liền xe không đến nhận rác nên lượng rác tồn đọng tràn cả ra đường đi. Ông Nguyễn Văn Thi và nhiều hộ dân có nhà gần bãi rác Cái Nước bức xúc: “Mấy tháng nay, vợ chồng tôi phải đeo khẩu trang suốt ngày vì không thể chịu nổi mùi hôi thối từ bãi rác. Các hộ kinh doanh thì ế khách triền miên vì không ai dám ghé ăn”.
Trong khi đó, 2 bãi rác tạm ở H.Phú Tân và TT.Sông Đốc (H.Trần Văn Thời) đang bị Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau cho đóng cửa vì nằm trong phần đất rừng phòng hộ.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN- MT Cà Mau, than: “Nếu tiếp tục để Nhà máy rác Cà Mau ngưng hoạt động thì việc tập kết, xử lý các bãi rác tạm sẽ bị khủng hoảng”.
Tiếp tục xin kéo dài thời gian bảo trì
Trong khi đó, Công ty Công Lý lại tiếp tục xin gia hạn thời gian bảo trì. Theo hồ sơ, Nhà máy rác Cà Mau ra đời (năm 2010) trong bối cảnh Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực xử lý môi trường. Cụ thể, được nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư (khoảng hơn 160 tỉ đồng), ưu đãi vay vốn ngân hàng (tổng cộng 215 tỉ đồng); trong khi tổng vốn đầu tư nhà máy này chỉ 329 tỉ đồng. Đó là chưa kể những ưu đãi khác về đất đai, thuế...
Trong khoảng 6 năm đưa vào hoạt động, nhà máy tiếp tục được tỉnh hỗ trợ về nhiều mặt. Năm 2015, nhà máy bảo trì lần đầu, đăng ký bảo trì trong 2 tháng, nhưng bảo trì 6 tháng mới hoàn thành và mượn quỹ đất khoảng 2,5 ha để trữ rác trong lúc bảo trì. Đến nay, phần rác tồn chưa xử lý xong, còn hàng ngàn tấn trong và ngoài khuôn viên nhà máy...
Trước đó, năm 2012, khi nhà máy hoàn thành thì tỉnh Cà Mau đã cho ứng 20 tỉ đồng tiền xử lý rác. Cuối năm 2016, tỉnh lại cho ứng 25 tỉ đồng để bảo trì nhà máy. Khi chưa trả hết tiền tạm ứng, thì cuối tháng 7.2018, nhà máy lại xin ngưng tiếp nhận rác để bảo trì.
Ngày 5.6.2018, Công ty Công Lý lại có tờ trình gửi Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Cà Mau xin nâng mức hỗ trợ đơn giá xử lý rác thải từ 350.000 đồng/tấn hiện nay lên 500.000 đồng/tấn (chưa gồm VAT), với lý do: kể từ khi hoạt động đến nay, hằng tháng công ty phải bù lỗ khoảng 1,7 tỉ đồng, phải trả lãi vay và nợ gốc hơn 3,1 tỉ đồng nữa nên không kham nổi.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã bác yêu cầu xin kéo dài thời gian bảo trì Nhà máy rác Cà Mau, nhưng hiện chủ đầu tư vẫn chưa đưa nhà máy hoạt động lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.