Bộ Xây dựng vừa hoàn tất dự thảo nghị định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trình Chính phủ, trong đó nêu danh mục nhiều loại nhà ở không được bán.
Trong dự thảo, Bộ Xây dựng đề nghị các hành vi nghiêm cấm trong quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN), như: Cho thuê, bán không đúng đối tượng và điều kiện quy định tại nghị định này; tự ý chuyển nhượng hợp đồng cho thuê; sử dụng không đúng mục đích; tự ý sửa chữa, cải tạo; sử dụng tiền thuê, tiền bán nhà sai mục đích...
Những loại nhà sở hữu Nhà nước không được bán
|
Theo dự thảo nghị định này, Bộ Xây dựng nêu rõ danh mục những loại nhà SHNN không được bán, gồm: Nhà ở công vụ, sinh viên, xã hội (trừ các trường hợp theo quy định); nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà ở công vụ; thuộc khu vực quy hoạch xây dựng công trình trọng điểm của Nhà nước; đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để cải tạo, xây dựng lại thành nhà ở mới hoặc công trình khác; không có nguồn gốc là nhà ở nhưng đang bố trí làm nhà ở và thuộc diện phải thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc SHNN theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, nhà ở có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng làm nhà ở công vụ, công sở, trụ sở làm việc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở gắn với di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa cũng nằm trong danh mục không được bán.
|
Đáng chú ý, nhà chung cư thuộc SHNN bị hư hỏng nghiêm trọng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đang tồn tại ở nhiều đô thị cũng không được bán. Theo Bộ Xây dựng, để đưa chung cư vào nhóm đối tượng này, phải có kết luận của cơ quan thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng; căn hộ chung cư không khép kín chưa được Nhà nước cải tạo lại (trừ trường hợp các hộ thuê đã tự cải tạo trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, bảo đảm việc sử dụng độc lập, tự nguyện và đồng thuận thông qua cam kết bằng văn bản đề nghị được mua).
Không dễ mua nhà sở hữu Nhà nước
Dự thảo nghị định của Bộ Xây dựng cũng quy định về đối tượng và điều kiện nhà SHNN được bán. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ được phép bán khi cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhu cầu để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác nhưng phải xin ý kiến Bộ Xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Mặt khác, giá bán nhà ở xã hội phải bảo đảm thu hồi vốn đầu tư xây dựng dự án, do UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
Đối với nhà ở cũ đang cho thuê, giá bán bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất. Với nhà ở khi xây dựng có một phần tiền góp của cá nhân, tập thể mà không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, cơ quan bán căn cứ vào tỉ lệ số tiền đã góp so với giá trị quyết toán khi xây dựng công trình để tính số tiền bên mua phải tiếp tục trả theo giá bán.
Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá trị còn lại của nhà ở; hệ số điều chỉnh giá trị sử dụng của nhà ở và việc phân bổ hệ số các tầng khi chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở của nhà ở cũ đang cho thuê.
Theo Người Lao Động
>> Sản xuất ma túy trong chung cư
>> Nhà đất chờ đợt “sóng” mới
>> Chọn chủ đầu tư trước khi mua căn hộ
Bình luận (0)