Nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh với di sản văn hóa Nam bộ

26/09/2022 06:35 GMT+7

Bộ sách Ca Văn Thỉnh - Di sản văn hóa Nam bộ do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cấp phép vừa ra mắt bạn đọc gồm 3 tập (ảnh).

Tập 1: Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ danh sĩ Nam bộ thế kỷ XVIII - XIX; tập 2: Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ lịch sử Nam bộ; tập 3: Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ văn học Nam bộ. Công trình này được con rể và con gái nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh là ông Nguyễn Long Trảo và bà Ca Lê Hồng cùng nhà nghiên cứu trẻ Lê Sỹ Đồng sưu tầm - tuyển soạn trên cơ sở các trước tác và di cảo tác giả để lại.

K.M.S

Năm 1962, Ca Văn Thỉnh được bạn đọc biết đến với tư cách tác giả Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa cuối thế kỷ XIX viết chung với Bảo Định Giang. Từ đó, ông trở thành cái tên quen thuộc viết về văn học và lịch sử Nam bộ như: Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm - Xoài Mút (tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 10.1965), Truyền thống quật cường của Nam bộ Việt Nam với tinh thần đấu tranh của Nguyễn Đình Chiểu (tạp chí Văn học, 4.1972), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (1980, 1982) viết chung với Nguyễn Sĩ Lâm và Nguyễn Thạch Giang, Hào khí Đồng Nai (1983), Nguyễn Thông - con người và tác phẩm (1984) viết chung với Bảo Định Giang.

Các công trình của ông, với quan điểm và phương pháp nghiên cứu hiện đại, đã đem đến cho người đọc sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về Nam bộ. Các nhà nghiên cứu khẳng định với những đóng góp của mình, Ca Văn Thỉnh trở thành nhà Nam bộ học hàng đầu trong giới học thuật nước ta.

Đọc các công trình nghiên cứu về Nam bộ của Giáo sư Ca Văn Thỉnh người ta thấy ở đó một phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, coi trọng tư liệu. Tư liệu mà ông sử dụng đều là các tư liệu nguyên gốc, xác thực, có độ tin cậy cao. Cách diễn giải của ông trong các bài viết đều rõ ràng, khúc chiết, logic chặt chẽ, hết sức thuyết phục. Và bao trùm hơn cả là tình cảm sâu đậm với mảnh đất Nam bộ: một niềm tự hào sâu sắc về văn hóa Nam bộ, một niềm tri ân trìu trịu với tiền nhân - những người đã đổ mồ hôi khai phá, đổ máu để giữ gìn mảnh đất này cho thế hệ mình và các thế hệ con cháu mai sau.

PGS-TS Đoàn Lê Giang

Ca Văn Thỉnh còn được xem là nhà nghiên cứu Nam bộ tiên phong. Năm 1941, ở tuổi 40, công trình khoa học nổi tiếng đầu tiên của ông ra đời, đăng trên tạp chí Bulletin de la société des Études indochinoises (tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương/BSEI) số 1. Đó là bài nghiên cứu về Doãn Uẩn (1794 - 1848), một vị quan có công bình định Trấn Tây.

Trên Đại Việt tập chí trong hai năm 1942 - 1943, ông lần lượt cho ra mắt các bài: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Nguyễn Thông, Minh bột di ngư - một quyển sách hai thi xã, Khổng học ở đất Đồng Nai, Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế...

PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) đánh giá về Ca Văn Thỉnh qua các công trình nghiên cứu: “Ông đã chứng minh một cách thuyết phục về văn mạch phương Nam 'dằng dặc không dứt' (chữ của Lê Quý Đôn) từ Võ Trường Toản, Mạc Thiên Tứ, Đặng Đức Thuật, Nguyễn Hương, cho đến Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Phan Thanh Giản, Vương Hữu Quang, Nguyễn Thông, Trần Tử Mẫn...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.