Qua hồi ký, bạn đọc trẻ được biết đến tuổi thơ của tác giả cũng như thời tuổi trẻ của thế hệ những trí thức vàng đầu thế kỷ 20 như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh... đã tham gia phong trào yêu nước ra sao. Hồi ký, như mong muốn của chính tác giả, là gạch nối giữa ông và những thế hệ trẻ mai sau như ông từng chia sẻ: "Tôi muốn dành riêng cho bạn đọc thanh niên ngày nay những ký ức về cuộc đời tôi, về lớp tuổi chúng tôi, về thời đại chúng tôi, để may chi, anh em rút ra được điều gì bổ ích cho cuộc đời thật là hạnh phúc của họ chăng?".
Giáo sư Đặng Thai Mai (1902 - 1984) là nhà trí thức sớm tham gia hoạt động yêu nước những năm 1920, trở thành đảng viên Đảng Tân Việt (tiền thân của Đảng Cộng sản VN). Những năm 1936 - 1939, ông tham gia Mặt trận Bình dân, Ủy viên Viện Dân biểu Trung kỳ. Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, ông được bầu vào Ủy ban Dự thảo Hiến pháp đầu tiên, Đại biểu Quốc hội khóa I và Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Từ sau năm 1954, Giáo sư Đặng Thai Mai đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật VN. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1982), truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996) và đặt tên đường phố tại thủ đô Hà Nội.
Theo dự định của ông, hồi ký về cuộc đời ông sẽ gồm 3 phần. Tuy nhiên, do tuổi cao, sức yếu, tác giả chỉ viết gần xong phần thứ nhất (từ thời thơ ấu cho đến ngày tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm).
Năm 1984, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới đã cho đánh máy 222 trang bản thảo chép tay hồi ký tuổi trẻ của Giáo sư Đặng Thai Mai và đã được tác giả xem lại rồi sửa chữa trên chính bản đánh máy này. Hồi ký của Giáo sư Đặng Thai Mai ra mắt bạn đọc lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới năm 1985 khi tác giả không còn nữa.
Bình luận (0)