Tình yêu thiên văn của người Việt:

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ

23/03/2023 12:15 GMT+7

Hơn 2 thập kỷ làm Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) - tổ chức đầu tiên dành cho cộng đồng yêu thiên văn của Việt Nam, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn vẫn không ngừng tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 21 năm ngày thành lập Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn đã có một buổi trò chuyện cùng PV Thanh Niên, chia sẻ về tình yêu thiên văn của mình cũng như hành trình lan tỏa kiến thức thiên văn suốt 2 thập kỷ qua.

Tổ chức đầu tiên dành cho cộng đồng yêu thiên văn Việt Nam

* PV: Nói về Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), cơ duyên nào đã giúp ông và các cộng sự thành lập nên tổ chức này, thưa ông?

Việc này phải nói đến vài năm đầu tiên của thế kỷ 21, sự phát triển của thiên văn học tại Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp. Có thể dễ dàng nhìn thấy những dẫn chứng cho điều này thông qua việc tổng số đầu sách về thiên văn bằng tiếng Việt từng được xuất bản chỉ khoảng vài chục cuốn, trong đó còn nhiều cuốn đưa thông tin chưa chính xác. 

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 1.

VACA được thành lập năm 2002 từ một nhóm sinh viên có chung niềm đam mê thiên văn.

VACA

Thậm chí, thời điểm đó, tôi nhận thấy có không ít người còn chưa từng nghe thấy thuật ngữ "thiên văn học" hay có những hiểu biết sai lệch về thiên văn. Đầu thế kỷ 21 là thời gian mà xã hội cũng như công nghệ trong nước phát triển rất nhanh, người cùng mối quan tâm có nhiều điều kiện hơn để gặp gỡ, trao đổi và tập hợp lại thành tổ chức. 

Đầu năm 2002, tôi khi đó đang còn đi học, đã cùng những người bạn, người anh ngành khoa học, kỹ thuật đang học tập và công tác tại Hà Nội, sau nhiều trao đổi về vật lý, thiên văn đã đi tới thống nhất lập ra Câu lạc bộ Thiên văn học (tên ban đầu của VACA), tổ chức thiên văn đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu và phổ biến kiến thức thiên văn. 

Chúng tôi khi đó không chỉ gặp nhau để thảo luận, khảo cứu các kiến thức về thiên văn học, mà còn có mong muốn được phổ rộng, làm cho người biết đến lĩnh vực này càng nhiều càng tốt. 

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn (trái) gắn bó với VACA hơn 2 thập kỷ qua.

VACA

Những ngày đầu thành lập, VACA hoạt động ra sao, thưa ông?

Lúc mới thành lập, VACA có khoảng 30 - 40 thành viên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước thường xuyên trao đổi thông tin, kiến thức về thiên văn trên diễn đàn online. Tính riêng tại Hà Nội, khi đó có hơn 10 thành viên hoạt động offline. 

Bên cạnh những khó khăn trong những ngày đầu thành lập liên quan tới việc tiếp cận thông tin, kiến thức thiên văn, khi nguồn tài liệu trên internet hay các đầu sách bằng tiếng Việt còn hạn chế, chúng tôi cũng gặp trở ngại về vấn đề tài chính, các thiết bị, dụng cụ quan sát thiên văn. 

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 3.

VACA tổ chức nhiều khóa học về thiên văn.

VACA

Như bạn cũng biết, thời điểm 2002 - 2006, việc mua một chiếc kính thiên văn là cực kỳ khó, khó về điều kiện kinh tế lẫn cách thức đặt mua bởi nó chưa bán rộng rãi ở Việt Nam như bây giờ. Nhiều thành viên khi đó tự chế kính để quan sát. Tuy nhiên, đó cũng là một thú vui đặc biệt của nhiều người yêu thiên văn, mà ở thời điểm hiện tại, dù việc mua kính đã dễ dàng hơn, nhưng nhiều người vẫn tự tạo cho mình một chiếc kính thiên văn. Trong những điều kiện khó khăn đó, các thành viên của VACA vẫn vượt qua, thích nghi và sống hết mình với niềm đam mê bầu trời.

Dấu mốc nào đã đưa “Câu lạc bộ Thiên văn học” non trẻ ngày đó trở thành “Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam” có tiếng trong giới thiên văn Việt Nam ngày nay?

Năm 2003, tôi chính thức trở thành hội trưởng Câu lạc bộ Thiên văn học. Trải qua thời gian dài hoạt động với nhiều thay đổi, biến chuyển, đầu năm 2006, tôi làm chủ biên, cùng các cộng sự bắt tay vào viết cuốn “Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn". Theo đó, cuốn từ điển giải thích hơn 2.000 từ và thuật ngữ thiên văn, tham khảo nguồn tài liệu từ nước ngoài của NASA, CNRS, World Space Week... 

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 4.

Các chương trình, hội thảo, những buổi workshop về thiên văn được VACA tổ chức đều đặn

VACA

Năm 2016, cuốn sách chính thức ra mắt. Đây cũng là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm chinh phục những bí ẩn của tri thức vũ trụ và từng bước xóa đi chữ "nghiệp dư" trong tên gọi. Kể từ đây, chúng tôi bắt đầu cho ra nhiều đầu sách khác nhau đề cập đến các kiến thức về thiên văn.

Trước đó, nhân kỷ niệm 11 năm thành lập, chúng tôi chính thức đổi tên thành Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (Vietnam Astronomy and Cosmology Association) với hy vọng hoạt động chuyên nghiệp hơn, chỉn chu hơn so với quy mô và hình thức của một câu lạc bộ.

20 năm dành trọn tình yêu cho thiên văn

Xuyên suốt 2 thập kỷ hoạt động, số lượng thành viên của VACA ra sao thưa ông?

Nói về hội viên của VACA, số lượng người của chúng tôi vẫn giữ mức ổn định qua nhiều năm, thường là không quá 30 bởi không quá quan trọng về số lượng. Thành viên VACA bên cạnh việc phải có kiến thức về thiên văn, điều quan trọng vẫn là sự nhiệt huyết, tâm huyết dành cho hội, với mong muốn có thể chia sẻ kiến thức, lan tỏa tình yêu thiên văn với càng nhiều người càng tốt.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 5.

Hội viên của VACA hiện tại dưới 30 người.

VACA

Điều ông tự hào nhất ở VACA là gì?

Xuyên suốt 20 năm qua, chúng tôi tổ chức rất nhiều những chương trình, workshop, các khóa học, buổi giao lưu, ra mắt sách… về thiên văn. Nhưng đó không phải là niềm tự hào lớn nhất của tôi. Điều tôi tâm đắc chính là vượt qua những khó khăn về tài chính, những mâu thuẫn nội bộ, khủng hoảng về mặt công việc và cuộc sống cá nhân của từng hội viên, VACA vẫn là tổ chức phi lợi nhuận vững vàng và uy tín trong giới thiên văn ở Việt Nam.

Điều gì đã giúp nhà nghiên cứu gắn bó với VACA xuyên suốt 20 năm qua?

Có thể nói, tôi đã dành toàn thời gian của mình cho VACA, và nó thực sự là đứa con tinh thần mà tôi và những hội viên dành cả tuổi trẻ để xây dựng, phát triển. Tất cả xuất phát từ tình yêu mà tôi dành cho thiên văn.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 6.

Ông Sơn vẫn miệt mài truyền tình yêu thiên văn cho các em nhỏ.

NVCC

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 7.

Các em nhỏ háo hức tham gia các lớp học thiên văn dưới sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn

VACA

Ông nội tôi là một nhà toán học và ông đã truyền cho tôi tình yêu khoa học từ nhỏ. Năm 1998, khi lần đầu được đọc một quyển sách về thiên văn, tình yêu dành cho vũ trụ, bầu trời của tôi cũng bắt đầu từ đây. Tôi bắt đầu ra những hiệu sách cũ để tìm kiếm thêm vài cuốn sách tương tự như vậy. Và tình yêu thiên văn đó đã kéo dài đến nay, cũng đã 25 năm.

Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, trong khi còn quá nhiều những việc phải lo cho cuộc sống "dưới mặt đất" thì những người theo đuổi niềm say mê bầu trời, có phải quá viển vông?

Điều này có 2 vấn đề để chúng ta nhìn nhận. Thứ nhất, với bất cứ một say mê nào trên thế giới này, cũng đều xứng đáng cả và con người chúng ta phát triển đến ngày nay cũng là nhờ có sự say mê với một điều gì đó, một lĩnh vực nào đó.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 8.

Thứ 2, chúng ta phải nhìn nhận về giá trị thực tiễn của việc nghiên cứu thiên văn. Từ khi thiên văn học ra đời và phát triển mạnh mẽ trong một vài thế kỷ gần đây, đã mang lại nhiều ứng dụng cho cuộc sống của con người chúng ta. Chẳng hạn chúng ta đang sử dụng truyền hình vệ tinh, định vị toàn cầu, những bản tin dự báo thời tiết chính xác là những thành quả của việc nghiên cứu về thiên văn học. 

Thêm nữa, nhờ có những nghiên cứu thiên văn, việc làm thế nào để quan sát sâu vào vũ trụ, làm thế nào để đưa được một con tàu vũ trụ lên không gian cũng thúc đẩy nhiều công nghệ khác cùng phát triển. Do vậy, nói việc nghiên cứu bầu trời là viển vông, là ý kiến thiển cận, chưa hiểu hết về lĩnh vực khoa học này.

Tiếp lửa đam mê cho người trẻ

Suốt nhiều năm qua, VACA vẫn thường xuyên tổ chức nhiều khóa học, tìm hiểu thiên văn cho các em nhỏ, các bạn trẻ. Có phải ông đang tìm một thế hệ kế thừa?

Những năm qua, chúng tôi đã mở rộng mô hình giáo dục thiên văn cho trẻ em rộng rãi hơn, thông qua việc kết nối với các trường mầm non, tiểu học, trung học, cũng như tổ chức các buổi ngoại khóa cho các em có cơ hội tiếp xúc, làm quen với bầu trời và các kiến thức thiên văn ngay từ nhỏ. Đó cũng là cách để truyền tình yêu thiên văn cho các em, và biết đâu, trong số những bạn nhỏ, bạn trẻ đó, trong tương lai là những nhà thiên văn học giỏi thì sao.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Tiếp lửa đam mê thiên văn cho thế hệ trẻ - Ảnh 9.

Thời gian tới, VACA có định hướng hoạt động như thế nào, thưa ông?

Cuối tháng 3, chúng tôi sẽ chính thức kỷ niệm 21 năm thành lập VACA với nhiều hoạt động. Trong đó, chúng tôi sẽ ra mắt “Bức tranh vũ trụ" gồm 5 quyển. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình phổ biến kiến thức và lan tỏa tình yêu thiên văn với nhiều người Việt.

Cảm ơn ông về buổi trao đổi hết sức thú vị. Chúc nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn và VACA thực hiện được những kế hoạch, dự định trong tương lai!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.