(TNO) Tết năm nay, các hộ làm chổi đót ở Du Sinh, phường 4, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) rất tất bật để kịp cung cấp hàng cho các mối hàng.
Bà Lê Thị Kim Liên lam nghề bó chổi gần 40 năm
|
Vợ chồng cụ Nguyễn Đắc Trực (77 tuổi), có hơn 40 năm làm nghề bó chổi đót ở Du Sinh cho biết các mối đóng chổi đi Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa)… đợi lấy chổi nhưng do tuổi cao nên mỗi ngày hai cụ chỉ làm được 20 cây chổi, làm tới đâu bán hết tới đó. Những người con của hai cụ đều biết bó chổi, nhưng làm được một thời gian đều chuyển làm nghề khác, còn hai cụ trót yêu nghề nên vẫn duy trì.
Bà Lê Thị Kim Liên (52 tuổi, ngụ đường Mẫu Tâm) cho biết tháng 11 và tháng chạp hằng năm là mùa cao điểm của nghề bó chổi, để đủ hàng cung cấp cho thị trường phải làm cả ban đêm. Bà Liên làm chổi cung cấp cho những người bán dạo ở Đà Lạt, chổi bó dây kẽm bán với giá 25.000 đồng/chiếc, còn đến tay người tiêu dùng giá bao nhiêu tùy người bán dạo.
Bà Liên cho biết thêm: “Nghề bó chổi hết tháng chạp là ngồi chơi xơi nước, phải đợi đến hết tháng 3 âm lịch mới bắt đầu làm lại. Đây là nghề tỉ mỉ, lấy công làm lời thôi”.
Để làm được một cây chổi phải trải qua 5 công đoạn mới ra thành phẩm; đót phơi khô được tước đọt, vào lọn, bó chổi, bện ken sau cùng là cắt xén. Chổi chắc hay không tùy thuộc vào khâu bó và bện ken.
Du Sinh là làng chuyên làm nghề bó chổi từ hơn 50 năm trước, hiện vẫn có hơn chục gia đình làm nghề này. Cơ sở của vợ chồng Nhung - Chí (hẻm Mẫu Tâm) chuyên làm chổi cán nhựa cung cấp cho các chợ trong tỉnh Lâm Đồng, mùa tết này phải tăng ca mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung với một cây chổi được bó đặc biệt
|
Nhưng cơ sở làm chổi lớn, có quy mô nhất ở Du Sinh hiện nay chẳng hạn như của gia đình vợ chồng Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Nguyễn Đình Thủy (đường Gioan) vài tuần trước tết phải tăng ca. Bà Nhung cho biết mỗi năm gia đình bà tiêu thụ trên 6 tấn đót khô, riêng tháng chạp này bó hết 2 tấn đót rồi. Để chủ động mùa bó chổi cao điểm và có thêm thu nhập, từ tháng 11 hằng năm, vợ chồng ông Thủy mua đót tươi giá 5.000 đồng/kg và tự phơi khô để dự trữ; trong quá trình phơi khô họ phân loại đót để làm các loại chổi.
Nhà bà Nhung làm nhiều loại chổi đa dạng như chổi bó kẽm, chổi cán nhựa và chổi đặc biệt chỉ làm theo đơn đặt hàng. Với chổi đặc biệt phải chọn đót có “tóc” còn xanh, dài đều và không có hạt; các lọn được bó to hơn chổi thường, bện ken tốn nhiều kẽm hơn, chắc hơn. Mỗi cây chổi loại đặc biệt, bà Nhung bán tại xưởng 60.000 đồng/chiếc, nhưng vẫn không đủ đáp ứng.
“Chổi đặc biệt được các mối hàng ở xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) đặt mua nhiều nhất. Gần tết, có những người quen dùng chổi biết là hàng tốt gọi điện đặt hàng”, ông Thủy cho biết thêm.
Với chổi thường và chổi cán nhựa được các mối hàng ở các chợ đặt mua đều đặn, nhưng riêng tháng chạp số lượng tăng cao gấp đôi.
Bình luận (0)