Nhà nông phục vụ tết - Kỳ 28: Bánh chưng xanh đắt khách

19/02/2015 07:54 GMT+7

(TNO) Những ngày giáp tết, ông Nguyễn Văn Mãi (47 tuổi, trú tại thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) phải thuê hơn chục nhân công làm bánh chưng, bánh tét mới đủ hàng xuất ra thị trường.

(TNO) Những ngày giáp tết, ông Nguyễn Văn Mãi (47 tuổi, trú tại thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) phải thuê hơn chục nhân công làm bánh chưng, bánh tét mới đủ hàng xuất ra thị trường.

Vào dịp tết, cơ sở của ông Mãi cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn cặp bánh chưng, bánh tét Vào dịp tết, cơ sở của ông Mãi cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn cặp bánh chưng, bánh tét - Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Mãi theo nghề làm các loại bánh nếp đã 20 năm qua nhờ sự truyền dạy của một người quen trú tại tỉnh Quảng Ngãi. Ngày thường, gia đình ông với 3 lao động thường xuyên gói các loại bánh ít, bánh tổ, bánh nậm… để bán cho các bạn hàng quen thuộc trong tỉnh.

“Đến những ngày cận tết, nhu cầu các loại bánh chưng, bánh tét truyền thống tăng cao nên tôi phải thuê gần 15 người tại địa phương tham gia gói bánh. Phải làm quần quật suốt ngày, suốt đêm, “công suất” tăng lên gấp 5 lần so với ngày thường mới đủ bánh cung cấp cho các thương lái”, ông Mãi cho biết. Nếu ngày thường ông Mãi gói khoảng 1 tạ nếp thì bắt đầu từ rằm tháng chạp trở đi, cơ sở của ông phải gói đến 5 tạ.
Mặc dù xưởng làm bánh ông Mãi nằm ở vùng nông thôn nhưng nhờ cách gói bánh thơm ngon, tiếng lành đồn xa nên cứ dịp tết đến, hàng ngàn người dân cũng như các đại lý bánh đều tìm đến đặt hàng. Theo ông Mãi, nghề làm bánh chưng cũng có bí quyết riêng trong từng công đoạn nhưng cơ bản phải chọn được loại nếp trắng, thơm, hạt bóng và có nhãn hiệu rõ ràng. Để có một chiếc bánh chưng ngon, trước khi gói, người thợ phải ngâm hạt nếp trong nước khoảng 3 giờ đồng hồ. Tiếp đó, người làm bánh phải làm nhân sao cho vừa miệng người dùng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà chọn nhân cho mỗi chiếc bánh cũng khác nhau. Nếu làm bánh chưng, bánh tét chay, ông Mãi chỉ bỏ thêm nhân là đậu xanh được nấu nhuyễn là được. Trong khi đó, nếu làm bánh mặn, ngoài đậu xanh còn bỏ thêm thịt heo ba chỉ.
“Tôi thường mua nếp tại các đại lý ở Hà Nội, nhân bánh và lá chuối xanh thì mua ở địa phương. Sau khi gói hoàn chỉnh khoảng 120 cặp bánh chưng (hoặc bánh tét), tôi cho tất cả vào nồi rồi nấu trong vòng 5 tiếng đồng hồ. Bánh sau đó được cho liền vào nước sạch, ngâm thêm ít phút để bánh không bị thiu và màu xanh đặc trưng của lá chuối được giữ lâu hơn, đẹp hơn”, ông Mãi chia sẻ. Vớt bánh ra chỉ cần tháo dây buộc, bóc lớp lá bên ngoài đã thấy màu xanh bắt mắt của lá chuối quyện vào nếp chín. Cắt thử một lát, thực khách sẽ thấy chiếc bánh có màu trắng, nhuyễn của nếp, khi ăn thì cảm nhận được vị béo, bùi ở đầu lưỡi. Mùi thơm của lá vướng vít với mùi nếp nấu chín khiến ai ngửi thấy cũng cồn cào bụng dạ.
Những ngày này, nhiều bạn hàng lâu năm của ông Mãi liên tục gọi điện thoại để đặt hàng vì họ biết sau ngày 25 âm lịch, cơ sở của ông sẽ không nhận làm thêm nữa. Ông Mãi cho biết thêm, để phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông đã trữ sẵn khoảng 3 tấn nếp để làm lai rai cho đến ngày 30 tết. Bắt đầu từ ngày 20 âm lịch trở đi, mỗi ngày gia đình ông xuất ra thị trường trong tỉnh và TP.Đà Nẵng khoảng 10.000 cặp bánh chưng (tương đương 5 tạ nếp). Tùy theo kích cỡ bánh mà giá có phần chênh lệch, với bánh chưng lớn thì có giá 30.000 đồng/cặp, bánh nhỏ có giá 5.000 đồng/cặp; bánh tét cỡ lớn có giá 25.000 đồng/cặp, cỡ nhỏ có giá 18.000 đồng/cặp.
“Trừ chi phí nguyên liệu, công thuê thợ (khoảng 150.000 đồng/người/ngày), trong 10 ngày cuối năm, tôi lãi khoảng 50-70 triệu đồng. Có thức đêm, có vất vả thiệt nhưng nghĩ đến cái tết đầm ấm, sung túc hơn, tôi thấy lòng mình vui rộn ràng…”, ông Mãi phấn khởi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.