Ở một số tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh có nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông, số nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu. Công nhân chủ yếu vẫn phải ở trọ. Tuy nhiên, có một thực tế là tuy cầu nhiều hơn cung, nhưng không ít nhà ở xã hội lại bị bỏ hoang, rất ít công nhân đăng ký mua.
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến nay toàn tỉnh mới đạt khoảng 4.500 nhà ở xã hội. So với hàng trăm ngàn công nhân trên địa bàn, phần lớn công nhân phải thuê nhà trọ do người dân xây dựng.
Tại Bình Dương, một trong những địa phương khá thành công trong việc xây dựng nhà ở xã hội, thì tính đến năm 2020 cũng mới đưa vào sử dụng được khoảng hơn 35.700 căn so với chỉ tiêu phát triển 86.877 căn trong giai đoạn năm 2021 - 2030 mà Chính phủ giao. Còn so với nhu cầu đến năm 2030 là 129.212 căn thì con số trên vẫn quá khiêm tốn.
TP.HCM dù cũng có nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông nhưng từ năm 2006 đến nay mới chỉ xây dựng được hơn 18.800 căn nhà ở xã hội. Theo một lãnh đạo UBND TP.HCM, giai đoạn năm 2021 - 2025 dự kiến TP.HCM phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Giai đoạn năm 2026 - 2030 dự kiến phát triển khoảng 58.000 căn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Ngô Tân Phượng, thông tin thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 4.000 căn hộ đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Các chủ đầu tư đã rao bán 1.681 căn nhưng rất ít công nhân đăng ký mua, khiến còn tồn đọng 1.324 căn. Nguyên nhân là hơn 70% công nhân tại địa phương này từ nơi khác đến. Trong đó, lực lượng lao động trẻ 18 - 30 tuổi đến làm việc chỉ có nhu cầu thuê thay vì mua nhà. Ngoài ra, công nhân cũng khó đáp ứng về tài chính để mua nhà khi thu nhập 9 - 10 triệu đồng một tháng. Bên cạnh trang trải sinh hoạt phí, người lao động đã khó khăn còn thường phải dành dụm để gửi tiền về quê cho gia đình. Không chỉ vậy, đa số công nhân ở Bắc Ninh có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên thay đổi công việc.
Không riêng Bắc Ninh, tình trạng ế ẩm nhà ở xã hội cũng xảy ra ở TP.HCM. Mới đây khi làm việc với HĐND TP.HCM, lãnh đạo TP.Thủ Đức cho biết Công ty Phước Thành có hơn 1.000 căn dự kiến bàn giao cuối năm nay, nhưng chỉ khoảng 100 hồ sơ đăng ký thuê nhà. Người đủ điều kiện mua thì không có tiền, không dám vay ngân hàng với lãi suất gói tín dụng 120.000 tỉ đồng lên đến 7,7%/năm. Trong khi đó, những người có tiền thì không nằm trong đối tượng là công nhân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, lý giải rằng mức lãi suất trong gói 120.000 tỉ đồng là quá cao, là gánh nặng của những người mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, người thuộc diện được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và mức thu nhập. Trong đó, điều kiện về cư trú là phải có đăng ký thường trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội hoặc đăng ký tạm trú từ một năm trở lên. Đối tượng mua nhà ở xã hội cũng không được thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức lương không quá 11 triệu đồng mỗi tháng. Những quy định này được một số chuyên gia đánh giá là đã lỗi thời.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận chương trình xây dựng nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chưa thực chất, chưa đủ mạnh; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Bình luận (0)