14.000 CĂN HỘ TÁI ĐỊNH CƯ BỎ HOANG
Chỉ riêng hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, những nơi "tấc đất tấc vàng" và nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng lại có tới 14.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm. Trong đó, TP.HCM có tới gần 10.000 căn, còn Hà Nội khoảng 4.000 căn hộ.
Cụ thể, tại Khu đô thị Sài Đồng (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) Khu chung cư N3 gồm 3 tòa nhà, với 160 căn hộ được xây dựng những năm 2000 với tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng. Dự án được đầu tư nhằm mục đích tái định cư cho người dân khi mở rộng tuyến phố Sài Đồng nhưng bỏ hoang nhiều năm. Thấy lãng phí, người dân đã tận dụng các khu đất xung quanh dự án để trồng rau và tập kết làm bãi mua bán phế liệu.
Cũng tại Q.Long Biên, 3 khối nhà chung cư với 400 căn hộ, trị giá hàng ngàn tỉ đồng, cũng bị bỏ hoang từ năm 2019. Cả Q.Hoàng Mai có 4 dự án tái định cư bỏ hoang từ 7 - 10 năm dù chính quyền địa phương có vận động nhưng người dân không về ở. Đáng nói là trong bối cảnh hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang, nhưng kế hoạch đầu tư cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 lại chật vật bởi không tìm đâu ra hơn 7.000 căn hộ để tái định cư cho người dân.
Tại TP.HCM cũng tương tự. Ngay Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xem là mảnh đất vàng, nhiều doanh nghiệp (DN) khao khát có được để triển khai dự án thì hàng chục ngàn căn hộ tái định cư xây dựng trên khu đất rộng hơn 38 ha đã xong nhưng không ai về ở. Trong 9 năm qua, khu căn hộ tái định cư 3 lần được mang ra đấu giá một phần nhưng đều không có người mua.
Hiện nay tình trạng xuống cấp tại các chung cư này ngày càng trầm trọng, nên mỗi năm TP vẫn đang phải chi hơn 70 tỉ đồng để bảo trì. Dự án này được "điểm danh" là một trong các dự án gây lãng phí lớn nhất hiện nay ở TP.HCM, bởi trong khi người nghèo không có nhà để ở, nhà ở xã hội (NOXH) xây mãi không xong thì hàng chục ngàn căn hộ đã xây dựng xong lại bỏ hoang. Nghịch lý là cách đó không xa, những căn hộ thương mại do tư nhân đầu tư bán mỗi mét vuông lên đến 150 - 200 triệu đồng.
Cũng chịu thảm cảnh tương tự là Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, được xây dựng trên tổng diện tích lên đến 30,9 ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư, với tổng cộng 1.939 căn hộ. Tại thời điểm xây dựng, TP.HCM định hướng nơi đây sẽ là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa của dự án nâng cấp đô thị và những dự án xây dựng hạ tầng khác. Tổng vốn đầu tư cho Khu tái định cư Vĩnh Lộc B thời điểm đó lên tới 1.062 tỉ đồng, chưa tính tiền đất vào năm 2008. Hiện nay khi bước chân vào khu nhà này, nhiều người có cảm giác như một khu đô thị "ma", bởi sau gần 12 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng, vẫn hoang vắng khác thường.
Những khu nhà 5 tầng sơn phía ngoài đã bong tróc, hoen ố, xuống cấp. Nhiều tòa nhà không có ai ở, tường nứt, nền lún, xung quanh cỏ mọc um tùm, tạo nên cảnh hoang phế. Những khu nhà đang có người ở thì thưa thớt, vắng vẻ. Để duy trì số căn hộ này, ngân sách TP cũng phải bỏ tiền tỉ ra hằng năm để bảo trì, bảo vệ. Không chỉ ở hai dự án trên, tại nhiều quận huyện số lượng nhà tái định cư bỏ hoang cũng rất lớn.
CHUYỂN SANG NHÀ Ở XÃ HỘI
Thực trạng trên cho thấy vấn đề quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư ở các TP lớn đang có quá nhiều bất cập, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Không chỉ thế, những dự án này đang kìm hãm động lực tăng trưởng của nhiều địa phương, đã trở thành gánh nặng cho toàn xã hội.
Theo luật sư Hoàng Thu (đoàn luật sư TP.HCM), sở dĩ nhà tái định cư bỏ hoang do chính quyền địa phương tắc trách và một phần do các quy định của pháp luật. Như Khu chung cư N3 (Hà Nội) dù không ai đến ở nhưng chủ đầu tư dù đã nhiều lần xin chính quyền đập đi xây lại, chuyển đổi sang nhà ở thương mại để tránh lãng phí mà không được chấp thuận với lý do vướng các quy định trong luật Nhà ở, luật Đất đai.
Một bất cập nữa là luật quy định khi nhà nước triển khai một dự án phải có trước quỹ nhà đất để tái định cư cho người dân. Nhưng thường thì trong thời gian chờ nhận nhà, người dân phải đi tạm cư rất vất vả. Và do thời gian chờ nhận nhà quá lâu, nên đa số người dân chọn cách nhận tiền mặt để tự tìm nơi ở mới.
Đến khi chung cư xây xong thì nhu cầu tái định cư đã hết. Điển hình như Khu tái định cư Thủ Thiêm, người dân đã nhận tiền thay vì nhận nhà. Chính vì vậy, hàng chục ngàn căn hộ xây xong đã bỏ hoang nhiều năm. "Chất lượng xây dựng kém, tiện ích không đồng bộ và đặc biệt nhiều khu như Vĩnh Lộc B quá xa trung tâm khiến việc đi lại, học hành, khám chữa bệnh của người dân bất tiện, không đáp ứng được nhu cầu mưu sinh khi về nơi ở mới nên không ai muốn nhận nhà tái định cư", luật sư Hoàng Thu phân tích.
Ông Hoàng Văn Cương, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần thay đổi quan điểm về xây dựng nhà tái định cư. Không nên xây dựng chuyên biệt các quỹ nhà tái định cư chất lượng không cao, hạ tầng không đồng bộ mà lồng ghép quỹ nhà tái định cư trong các dự án nhà ở thương mại. Khi đó người tái định cư sẽ chọn các căn hộ này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích TP.HCM có khoảng 13 triệu người và TP phải bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở cho toàn bộ dân số bao gồm người nhập cư, công nhân nhập cư. Trong 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của TP có khoảng 285.000 công nhân, lao động, chưa bao gồm nhiều DN nằm ngoài khu công nghiệp nhưng có quy mô rất lớn, như Công ty giày Pou Yuen có trên 50.000 công nhân (lúc cao điểm có đến hơn 80.000 công nhân). Trong đó có khoảng 80% công nhân là lao động nhập cư đang thuê phòng trọ. Chính vì vậy việc để hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang là "có tội với người dân, đặc biệt là dân nghèo", theo ông Châu. Thay vì đem đấu giá nhiều lần số căn hộ nói trên nhưng không ai mua thì TP nên chuyển sang làm NOXH để bán cho các đối tượng đang khó khăn về nhà ở.
Để tránh lãng phí, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, đề xuất việc chuyển đổi từ nhà tái định cư sang nhà thương mại hay NOXH phải sửa chữa lại cho phù hợp, sắp xếp lại nội thất, thiết kế lại. Thậm chí quy hoạch lại cho có chỗ đậu xe, tiện ích, cây xanh… để phù hợp lại nhu cầu. Những điều đó phải tuân thủ quy định của pháp luật và phải được Bộ Xây dựng đồng ý. Những người có trách nhiệm phải ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ.
"Các địa phương phải có quy hoạch tốt, chuẩn bị nguồn vốn thật tốt và làm gì cũng phải lấy ý kiến người dân xem họ mong muốn cái gì. Từ mong muốn đó, chính quyền phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Luật là do chúng ta tạo ra nên có thể sửa được. Nếu làm tốt người dân sẽ vào ở", ông Chính nói.
Bình luận (0)