Sau thành công của Em chưa 18 và Chàng vợ của em, đạo diễn Charlie Nguyễn tiếp tục sản xuất bộ phim mới mang tên Hồn papa da con gái với sự tham gia của diễn viên trẻ Kaity Nguyễn đóng cặp cùng nam diễn viên Thái Hòa. Trong buổi showcase, đạo diễn phim Em chưa 18 đã có những chia sẻ về chuyện scandal của Kiều Minh Tuấn - An Nguy - Cát Phượng, cùng quan điểm về cách làm phim của anh.
* Khi những trích đoạn của Hồn papa da con gái được hé lộ, có nhiều ý kiến cho rằng phim sẽ đạt doanh thu khoảng 200 tỉ đồng. Anh có bị áp lực bởi những kỳ vọng đó không?
- Nhà sản xuất Charlie Nguyễn: Không nên tin làm gì vì đó chỉ là dự đoán của một vài cá nhân, họ nói chơi cho vui. Tôi nghĩ Em chưa 18 là một hiện tượng phim nên mới đạt được như vậy (169 tỉ đồng - PV), đến giờ tôi cũng còn nhìn lại và học lại từ phim đó. Tôi không biết tại sao nó thu hút được một lượng khán giả lớn như vậy mặc dù tôi làm ra nó. Cho nên với phim này tôi cũng không biết nó như thế nào, nếu phim này đạt doanh thu bằng Chàng vợ của em (83 tỉ đồng - PV), tôi cũng đã thấy hạnh phúc rồi chứ không dám mơ cao hơn.
* Nếu Em chưa 18 anh giao cho đạo diễn Lê Thanh Sơn, thì Hồn papa da con gái lại do đạo diễn người Nhật cầm trịch. Anh có lo lắng sự khác biệt văn hóa phần nào đó ảnh hưởng đến phim?
- Đối với tôi, khi mời Ken Ochiai làm đạo diễn thì trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ thôi, còn về kỹ năng làm phim cũng như khả năng làm đạo diễn thì tôi đã có cơ hội xem qua những bộ phim trước của Ken rồi. Tôi biết được anh ấy có kỹ năng và làm phim rất bài bản, đã được học tập kỹ và là người làm phim có kinh nghiệm. Tôi yên tâm về công tác đạo diễn, còn trở ngại lớn nhất chỉ là anh ấy không hiểu tiếng Việt, chúng tôi chỉ gặp khó khăn khi giao tiếp qua nhiều ngôn ngữ và qua nhiều trung gian. Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy rằng đó cũng là một điều hay khiến cho bộ phim có nhiều màu sắc hơn so với một bộ phim do người Việt làm. Tôi nghĩ điện ảnh là một sản phẩm mang tính toàn cầu, không phải của riêng bất kỳ một nước nào cả. Ở Việt Nam cũng có đạo diễn nước ngoài làm phim cũng giống như Hollywood cũng có những đạo diễn Pháp, Trung Quốc…
|
* Trong những năm gần đây, doanh thu phim Việt đang có sự đột phá, các cột mốc doanh thu thay đổi liên tục. Anh có nghĩ đây là một điều đáng mừng?
- Tôi lại không nghĩ doanh thu phim Việt đang lớn mạnh. Bởi vì có rất nhiều bộ phim phát hành từ đầu năm đến bây giờ, tuần nào cũng có phim ra rạp nhưng để nói phim thành công thì đếm chỉ trên đầu ngón tay. Còn những bộ phim hầu như không được đón nhận, đến và đi rất nhanh. Số lượng phim được khán giả hưởng ứng rất ít so với số lượng phim đạt doanh thu cao. Tôi thấy phim đang đi xuống chứ không phải đi lên.
* Vừa qua sự cố của phim Chú ơi đừng lấy mẹ con, nhà sản xuất Dung Bình Dương cho biết doanh thu thất bát so với kinh phí đầu tư là do bị khán giả tẩy chay. Cũng là nhà sản xuất, anh nhận định scandal này như thế nào?
- Trường hợp scandal đó xảy ra là chuyện đáng tiếc cho tất cả mọi người, cho cả diễn viên nữa. Tôi tiếc cho scandal của Kiều Minh Tuấn. Tôi làm phim thì tôi cũng thông cảm cho toàn ê-kíp. Tôi biết được để theo nghề này rất khó và gian nan, niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì rất nhiều. Vui khi mình lên thảm đỏ, mình dự phim chỉ khoảng vài tiếng nhưng cả năm trời mình phải vật lộn với bao nhiêu thứ, bao nhiêu vấn đề. Khi một bộ phim ra đời và có số phận như vậy, tôi nghĩ là tất cả mọi người trong ngành cũng sẽ thấy tiếc nuối. Tuy nhiên đó cũng là vấn đề cá nhân nữa, nên tôi cũng không thể nói nhiều.
* Có những tin đồn về việc đạo diễn bắt các diễn viên chính phải yêu nhau trong thời gian đóng phim, điều đó có hay không thưa anh?
- Nếu thật sự là một người chuyên nghiệp thì sẽ không yêu cầu điều đó. Diễn viên chắc chắn cũng sẽ không đồng tình với điều đó khi đạo diễn yêu cầu họ phải yêu thật. Tôi cho đó là sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng.
Phim ảnh là làm việc bằng cảm xúc, đặt biệt là diễn viên. Diễn viên họ dùng cảm xúc của họ để làm việc. Đạo diễn cũng có cảm xúc nhưng không trực tiếp như diễn viên, diễn viên họ phải hóa thân, sống trong nhân vật đó. Với những cảnh đụng chạm nhau, nhiều người sẽ thấy khó chịu nhưng họ sẽ phải vượt qua hàng rào đó, đâu là phim đâu là đời. Đây cũng là sự hi sinh với nghề, đòi hỏi người diễn viên nghiêm túc với nghề phải làm được.
|
* Phim Việt có hiện tượng “cuốn chiếu”, chưa chuẩn bị đủ kinh phí đã bấm máy, rồi sau đó phim ra rạp sẽ lấy lợi nhuận để trả lại cho diễn viên. Theo anh điều đó có không?
- Nếu đã làm theo kiểu “cuốn chiếu” về kinh phí thì rất nguy hiểm, từ trước đến giờ tôi làm tôi sẽ dự trù tổng kinh phí, các nhà đầu tư phải có đủ nguồn quỹ nhất định để hoàn thành phim thì mới dám bấm máy. Không thể nào quay đến phân nửa rồi lại ngưng vì thiếu kinh phí, lúc đó mình sẽ không có tiền để trả lại cho họ được. Điều đó rất mất uy tín, với một nhà sản xuất hay hãng phim mà làm như vậy thì họ sẽ không còn uy tín để làm việc. Mỗi người có một cách làm khác nhau, tôi cũng không gần gũi để biết họ làm như thế nào nhưng với cá nhân tôi, tôi sẽ kêu gọi đủ số vốn mà mình cần thì tôi mới dám làm. Tôi không có quyền sử dụng số tiền của nhà đầu tư một cách vô trách nhiệm và rủi ro được mà phải đảm bảo, bảo vệ họ thì mới có thể đồng hành cùng họ ở những dự án sau được. Cộng đồng làm phim ở Việt Nam rất nhỏ, theo kiểu quen biết nhau cả nên nếu mình làm mất lòng tin của nhà đầu tư thì những dự án sau đó sẽ không có cơ hội nữa.
* Sau nhiều năm khẳng định tên tuổi trong nền điện ảnh Việt Nam, anh có dự định nào đột phá hơn ví dụ mời những diễn viên nổi tiếng Hollywood về làm phim ở Việt Nam?
- Tôi đang lên kế hoạch để mở rộng, đa dạng phim hơn và làm những gì đó mới hơn. Tuy nhiên những dự án như vậy thường không dễ bởi vì nếu có yếu tố nước ngoài kinh phí sẽ rất cao. Có thể những nhà đầu tư trong nước không có đủ tiền để thực hiện những dự án như vậy nên tôi cũng cần tìm nguồn tiền để đầu tư nước ngoài. Những điều đó cần sự chuẩn bị và đối tác phải tốt nữa, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cụ thể. Tôi nghĩ chỉ khoảng vài năm nữa thôi.
* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Bình luận (0)