Nhận định trên được ông Mikhail Malyshevsky, cố vấn kỹ thuật của Tập đoàn Almaz-Antey (Nga) đưa ra sau khi Đội điều tra chung (JIT) gồm các chuyên gia của các nước có nạn nhân hoặc liên quan công bố kết luận điều tra vụ thảm kịch máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi hồi năm 2014, theo TASS ngày 28.9.
Theo ông Malyshevsky, các nhà điều tra quốc tế đã bỏ qua ba mảnh vỡ của thân máy bay MH17 được cho là do một tên lửa phòng không BUK bắn trúng, tên lửa phóng lên từ vùng Snezhnoye ở phía đông Ukraine do lực lượng ly khai kiểm soát vào thời điểm xảy ra vụ bắn hạ máy bay xấu số nói trên.
"Trong kết luận của JIT trình bày đến giờ này, thiếu khía cạnh kỹ thuật trong công tác điều tra. Thực tế không thấy bất kỳ yếu tố kỹ thuật nào được đề cập", cố vấn Malyshevsky nói.
Trong buổi công bố kết luận điều tra tổ chức ở Hà Lan hôm 28.9, JIT nói rằng máy bay MH17 bị tên lửa BUK do Nga sản xuất bắn hạ. Tên lửa BUK được đưa lén từ Nga vào Ukraine và sau vụ việc đó được đưa trở lại Nga. JIT cho hay đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ của Anh theo dõi trên mạng xã hội thấy đường đi của BUK theo lộ trình trên.
Báo Mỹ Wall Street Journal dẫn phát biểu của ông Malyshevsky, theo tờ báo là Thiết kế trưởng của Almaz-Antey, cho biết tên lửa BUK thuộc sêri 9M38 đã bắn rơi chiếc máy bay MH17 nhưng từ một hướng khác so với hướng được các nhà điều tra kết luận. Ông Malyshevsky cho biết thêm quân đội Nga đã nâng cấp tên lửa BUK hiện đại hơn từ năm 2005, trong khi loại 9M38 còn nằm trong kho của Ukraine.
tin liên quan
Đội điều tra quốc tế xác định 100 nghi phạm trong vụ bắn rơi MH17Đội điều tra quốc tế ngày 28.9 công bố kết luận vụ bắn rơi máy bay MH17 là do tên lửa BUK bắn từ khu vực của phe ly khai ở miền đông Ukraine, có 100 nghi phạm liên quan đến thảm kịch hàng không này.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói Moscow phủ nhận kết luận điều tra của JIT, nói rằng không nhìn thấy "bằng chứng".
Ông Peskov cho biết ngay từ đầu Nga ủng hộ ý tưởng điều tra và muốn tham gia nhưng bị từ chối, mặc dù Moscow liên tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của nhóm điều tra quốc tế
"Vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ ràng và mâu thuẫn. Và tất cả chúng ta phải chờ câu trả lời cho những mâu thuẫn đó", người phát ngôn điện Kremlin nói. Ông còn nói rằng cần phải chờ thêm kết luận đầy đủ, hoàn chỉnh vào năm 2018.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ nghi ngờ tính khách quan của JIT khi các dữ liệu mà đội điều tra trình bày từ hai nguồn chính: internet và cơ quan an ninh Ukraine. Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên .Bộ Ngoại giao Nga gọi kết luận sơ bộ của JIT "đầy thành kiến và có động cơ chính trị", theo Wall Street Journal.
Bình luận (0)