Nhà tạo lập thị trường chuyển mình Diện mạo Vietcombank sau gần hai năm tái cơ cấu

03/06/2015 07:00 GMT+7

Chỉ trong vòng gần 2 năm tái cơ cấu, Vietcombank đã và đang ngày càng chứng minh vị thế của mình trên thị trường khi tổng tài sản, dư nợ tín dụng tăng trưởng vượt bậc. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ, sản phẩm ngày càng được khách hàng đón nhận và lan tỏa rộng khắp.

Chỉ trong vòng gần 2 năm tái cơ cấu, Vietcombank đã và đang ngày càng chứng minh vị thế của mình trên thị trường khi tổng tài sản, dư nợ tín dụng tăng trưởng vượt bậc. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ, sản phẩm ngày càng được khách hàng đón nhận và lan tỏa rộng khắp.

Nhà tạo lập thị trường chuyển mình Diện mạo Vietcombank sau gần hai năm tái cơ cấuVietcombank khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh: Nguyệt Ánh
Thành quả của nỗ lực tái cơ cấu
Có thể nói, Vietcombank là một trong những điểm nhấn đang chú ý trong công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bởi mặc dù vẫn đang chễm chệ vị trí tốp đầu nhưng “ông lớn” này không bằng lòng với chính mình. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, tháng 10.2011, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3, khóa 11 ra đời với 3 nội dung trọng tâm: tái cấu trúc đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính và tái cơ cấu DN nhà nước. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhằm nắn chỉnh lại hoạt động của nền kinh tế sau thời gian tăng trưởng được cho là nóng.
Từ vị thế một định chế đứng đầu thị trường tài chính nhưng Vietcombank tự nhận thấy đang bộc lộ sự trì trệ (tín dụng tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2013). Tại đại hội cổ đông vừa qua, kết quả hoạt động của ngân hàng vào năm 2014 đã gây nhiều chú ý trên thị trường với các chỉ số tăng trưởng vượt bậc.
Thứ nhất, tổng tài sản tại thời điểm ngày 31.12.2014 đạt trên 576,9 nghìn tỉ đồng, tăng gần 23,03% so với ngày 31.12.2013 trong khi kế hoạch giao chỉ 11%. Cùng đó, dư nợ tín dụng đạt 326 nghìn tỉ đồng, tăng gần 17,72%. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 323,3 nghìn tỉ đồng, tăng 17,87%, vượt kế hoạch 4,87%.
Thứ hai, năng lực tài chính được củng cố và nâng cao khi quy mô vốn chủ sở hữu tăng mạnh qua từng năm. Nhờ đó, hệ số an toàn vốn được cải thiện đáng kể. Hết năm 2014, vốn chủ sở hữu của Vietcombank đạt 43.351 tỉ đồng, đứng thứ hai toàn hệ thống; hệ số an toàn vốn CAR của Vietcombank đạt gần 12%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 9% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, nợ xấu được kiểm soát và xử lý tích cực. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối 2014 được khống chế ở mức 2,31%, đáp ứng chỉ tiêu HĐQT giao ở mức dưới 3% và thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn ngành.
Thứ tư, thêm một điểm đáng chú ý nữa là hoạt động quản trị, điều hành của ngân hàng cũng tạo ra nhiều khác biệt so với trước năm 2013. Cụ thể, đến nay, ngân hàng đã có thêm 10 chi nhánh và thành lập mới 17 phòng giao dịch; thay đổi, sắp xếp lại tổ chức theo hướng chuyên môn hóa và tăng mức độ quản lý tập trung về hội sở chính.
Riêng với mảng khách hàng, đến nay Vietcombank đã sở hữu nhóm khách hàng lớn mà nhiều ngân hàng khác rất thèm muốn, đó là: Vietnam Airlines, PVN, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí, Viettel, TKV, EVN... bên cạnh tham vọng mở rộng khách hàng sang nhóm DN FDI và khách hàng thể nhân.
Thách thức ở phía trước
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, Vietcombank đưa ra phương châm hoạt động trong năm 2015 là “tăng tốc, hiệu quả, bền vững”. Theo đó, ngân hàng đưa ra 12 nhiệm vụ trọng tâm với các chỉ tiêu: tổng tài sản tăng 11,5%; tín dụng tăng 13%; huy động vốn từ nền kinh tế tăng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%.
Trong số các nhiệm vụ nói trên, yếu tố khách hàng được Vietcombank chú trọng số một với thông điệp rất rõ ràng: giữ ổn định và từng bước gia tăng thị phần khách hàng truyền thống; tập trung phát triển nhóm khách hàng niêm yết có tình hình tài chính lành mạnh và nhóm FDI. Cùng đó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng không hạ chuẩn cho vay. Để làm được điều này, Vietcombank xác định chỉ tăng trưởng tín dụng bằng chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm, tăng trưởng đều trong kỳ; không để dẫn đến tình trạng “no dồn, đói góp” vào cuối kỳ.
Tiếp theo, Vietcombank đưa ra một mục tiêu chiến lược là đến 2018 sẽ dẫn đầu thị trường về bán lẻ. Theo đó, ngay trong năm 2015, ngân hàng sẽ tăng trưởng nhanh doanh số đối với các dòng sản phẩm chủ chốt của bán lẻ như: tín dụng thể nhân, ngân hàng điện tử và thẻ nội địa... Đây là hướng đi cần thiết nhằm nâng dần tỷ lệ thu nhập ngoài lãi và thu nhập từ bán lẻ trong tổng thu nhập của ngân hàng. Có thể thấy, bước sang năm 2015, trong bối cảnh hoạt động của DN vẫn chưa hoàn toàn hồi phục nên ngân hàng xác định các mục tiêu ở mức khiêm tốn và sát với thực tế, theo hướng tăng trưởng gắn với an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.